Năm 2005, khi hai bộ phim của DC film là V For Vendetta cùng Batman Begins được ra mắt và đều được giới phê bình khen ngợi. Lằn ranh về sự thuần giải trí và tính nghệ thuật đến từ các ấn phẩm truyện tranh nói chung, bắt đầu được công chúng đem lên bàn cân.
Năm 2008, khi Christopher Nolan ra mắt phần tiếp theo của chuỗi phim về Batman của riêng ông mang tên The Dark Knight. Bộ phim thành công đến nỗi nó không chỉ định hình lại nền văn hóa đại chúng (Pop Culture) lúc bấy giờ mà còn vô tình tạo ra một con dao “stereotype” hai lưỡi về tính triết lí và hàn lâm mà mỗi tác phẩm của DC mang lại. Người ta lại tiếp tục mê mẩn với những triết lí về sự hoà bình trần trụi đến đáng sợ của phim Watchmen, một bộ phim rated R từng có vấn đề về storytelling và phải chờ đến bản blu-ray dài hơn 3 giờ đồng hồ mới có thể trở nên hoàn chỉnh, hay sự trỗi dậy từ chính bản ngã của Người Dơi trong The Dark Knight Rises dù cho nó có không ít những sạn về cảnh hành động và diễn xuất.
Năm 2012, khi Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel (MCU) ngót nghét bước sang giai đoạn thứ 2 (Phase 2). Mùa hè năm đó, họ triệu tập tất cả các siêu anh hùng từng xuất hiện trong Phase 1 để tạo nên The Avengers, bộ phim nhanh chóng trở thành bom tấn tỉ đô đầu tiên của MCU khi thu về hơn 1,5 tỉ đô đồng thời cũng là phim có doanh thu cao nhất năm 2012. Tuy nhiên, không vì thế mà The Dark Knight Rises trở nên lép vế. Cụ thể, một mình Batman vẫn đủ sức kiếm được hơn 1 tỉ đô trong một năm mà những phim hành động khác như The Hunger Games hay Skyfall đều được đánh giá cao và còn có một lượng fan đông đảo. Cái kết tuyệt vời cho Batman đã đưa trilogy về Người Dơi của Nolan lên hàng kinh điển.
Người ta không còn bận tâm với thất bại của Green Lantern vào năm 2011 nữa và khi Nolan dần rời đi, họ vẫn tin vào tương lai của DCEU trong cuộc đua với Marvel mà không hề nhận ra rằng chính cái “stereotype” trên cùng bộ ba The Dark Knight của Nolan sẽ là rào cản vô hình đưa DC vào vòng lẩn quẩn.
Năm 2013, trùng hợp thay, nếu xét cho cùng thì đây là năm đánh dấu thời kì đen tối cho sự xuống dốc của 2 gã nhà giàu tưởng chừng không liên quan gì đến nhau đó là Manchester United và DC Films. Cả 2 đều đã từng có nhiều thành tính trong quá khứ, sự ra đi của Sir Alex và Nolan trong vai trò chỉ đạo ở đây cũng có rất nhiều điểm tương đồng với nhau.
Đối với DC Films, sau khi Vũ Trụ Điện Ảnh Mở Rộng (DCEU) của họ khởi đầu không mấy thành công với Man Of Steel và Batman v Superman: Dawn Of Justice. Sự xuất sắc trong phần âm nhạc của Hans Zimmer và hình tượng Người Dơi mạnh mẽ, đậm chất comics của Ben Affleck đã không thể cứu vãn được cả hai bộ phim. Điểm chung cho sự thất bại này chính là việc khai thác quá nhiều tình tiết dẫn đến mạch phim trở nên thừa thãi trong những mâu thuẫn chính thì lại được giải quyết không đến đến nơi đến chốn. Công bằng mà nói thì câu chuyện về triết lí trong DCEU lẽ ra sẽ được trọn vẹn nếu họ không cố gắng nhồi nhét quá nhiều để tạo nên vũ trụ DC đầy dây mơ rễ má những “fan service” không hơn không kém, đặc biệt là trong Batman vs Superman.
Và khi đứa con tinh thần của họ không thành công được như kì vọng, những người hâm mộ, nói chung, thường sẽ tìm cách đổ lỗi cho bất cứ thứ gì mà họ xem là cản trở dù là trực tiếp hay gián tiếp, và fan DC thời điểm đấy cũng như vậy. Họ bắt đầu đổ lỗi cho các nhà phê bình, đòi tẩy chay Rotten Tomatoes, kêu gọi sa thải đội ngũ biên tập phim của Warner Bros vì đã khiến Suicide Squad và Justice League trở thành thảm họa. Họ còn cho rằng khán giả đại chúng không đủ EQ, IQ hay thậm chí là mắt không đủ tốt để có thể hiểu hết được những triết lí hay xem được phim với tông màu tối cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của họ. Điều này, một cách buồn cười thay, lại rất giống với cái cách mà fan MU đổ lỗi cho David Moyes, Louis Van Gaal, José Mourinho, cho Ed Woodward hay bất kì cầu thủ nào mắc phải sai lầm trong mắt họ.
Xét cho cùng, những gì mà người hâm mộ đổ lỗi dù tiêu cực nhưng đều có lí do chính đáng. Bản thân mình cho rằng Zack Snyder, một người vốn rất giỏi về kĩ thuật hình ảnh lẽ ra không nên nhận quá nhiều trọng trách trong DCEU như vậy. Khi mà ông vốn không có đủ khả năng để chỉ đạo hay phát triển tầm nhìn và thường có vấn đề trong cách kể chuyện. Chúng ta đều có thể đổ lỗi cho một ai đó nếu muốn, thậm chí ta có thể đổ lỗi cho Nolan vì đã rời đi, như cái cách mà một số fan MU đổ lỗi cho Sir Alex vì đã nghỉ hưu năm đấy, hay đổ lỗi cho Joss Whedon vì đã biến Justice League, từ niềm hi vọng lớn nhất của fan DC lúc bấy giờ trở thành một phim tệ nhất trong cả chuỗi phim. Nhưng tất cả điều đó sẽ không thể nào làm cho mọi việc thay đổi hay trở nên tốt đẹp hơn được. Hãy như Marvel, cứ quên đi những bộ phim đáng để quên và đừng tìm cách đổ lỗi bất kì thứ gì cả. Việc cần làm của người hâm mộ DCEU hay DC Films và cả fan MU bây giờ là đừng kì vọng hay mong đợi nhiều mà phải chấp nhận rằng đứa con tinh thần của họ hiện đã không còn là một ông lớn nữa, rằng họ chỉ là những kẻ hết thời và chỉ đang trên đường tìm lại vinh quang mà thôi.
“Why do we fall, Bruce? So we can learn to pick ourselves up.”, (tạm dịch: “Tại sao chúng ta lại vấp ngã hả Bruce? Là để cho ta học cách đứng dậy đấy.”), đó là câu nói mà Bruce Wayne học được từ cha cậu trong Batman Begins và tại thời điểm này, DC chắc hẳn là người hiểu rõ điều này nhất. Họ đã bắt đầu gượng dậy bằng cách từ bỏ việc trở thành một bản sao của Marvel, rằng họ chấp nhận làm những phim lẻ rời rạc nhưng mạch lạc như Wonder Woman hay Aquaman thay vì cố gắng nhồi nhét để bắt kịp vũ trụ điện ảnh Marvel. Vì họ biết và chấp nhận rằng, Marvel đã là ông vua của phòng vé và rằng DC hiện tại đã thất bại.
Vốn dĩ ngay từ đầu, tính hàn lâm và nghệ thuật của một tác phẩm cùng với tính giải trí và doanh thu phòng vé không hề được được dung hòa. Chỉ có một số cái tên xuất chúng trong lịch sử như Christopher Nolan hay Quentin Tarantino thì may ra mới có thể cân bằng được hai cán cân này. Việc cố dung hòa cả hai chỉ chuốc lấy thêm thất bại nếu không có những cá nhân đặc biệt xuất hiện.
Về phần DC films, nay đây đã là một gã nhà giàu không còn gì để mất. Không còn bị phụ thuộc vào vũ trụ điện ảnh, giờ là lúc để sống thật với cái danh nghĩa, cái “stereotype” về những triết lí sâu sắc và hàn lâm ấy để tạo nên sự khác biệt vốn có của mình.
Với việc Joker 2019 đang được khen ngợi hết lời cùng một vài đoạn leaked footage gần đây, có thể thấy phim sẽ không chỉ là một bộ thriller thông thường mà gần như sẽ thuộc dạng slasher cực kì nặng đô, một dòng phim tương tự như Friday the 13th, Scream hay The Texas Chainsaw Massacre. Vẫn chưa có gì đảm bảo hoàn toàn rằng phim sẽ thành công trong việc dung hòa được cán cân giữa nghệ thuật và sự giải trí nhưng dù thế nào đi nữa thì chắc chắn rằng đây sẽ là bộ phim khiến cho DC Films một lần nữa có thể quên đi những thất bại trước đó và bắt đầu tự tin hơn với hướng đi mới của họ.
Kỉ nguyên của dòng phim về siêu anh hùng vẫn sẽ còn dài và rằng Marvel sẽ vẫn còn thống trị phòng vé trong rất nhiều năm nữa. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc DC Films sẽ mãi là kẻ bám đuổi. Bởi vì, hơn bao giờ hết, chỉ cần một giải Oscar cho Nam Chính thôi thì Joker của Joaquin Phoenix sẽ giúp họ thêm một lần nữa định hình lại Pop Culture..
Phiếm
- Những bộ phim điện ảnh của DCEU sẽ ra rạp trong thời gian tới
- Top 9 phim bom tấn đáng xem nhất của DC