Review phim The Shawshank Redemption (1994)

Cùng Góc Điện Ảnh review phim The Shawshank Redemption và điểm lại những dấu mốc thăng trầm của tác phẩm kinh điển này.

Phim The Shawshank Redemption (1994) – Nhà Tù Shawshak là một tác phẩm mang trong mình những nghịch lý kì lạ của nền điện ảnh đương đại. Hiện tại, phim đang đứng top đầu những bộ phim hay nhất mọi thời đại trên nhiều bảng xếp hạng, nhưng tại thời điểm phát hành số phận của The Shawshank Redemption lại không được may mắn như vậy. Cùng Góc Điện Ảnh review phim The Shawshank Redemption và điểm lại những dấu mốc thăng trầm của bộ phim kinh điển này.

Xem thêm:

The Shawshank Redemption được công chiếu vào năm 1994, do Frank Darabont viết kịch bản và đạo diễn. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Rita Hayworth and Shawshark Redemption của Stephen King.

Đánh giá phim Nhà tù Shawshank

Andy Dufresne (do Tim Robbins thủ vai) là một giám đốc ngân hàng trẻ bị buộc tội giết vợ và người tình của vợ, anh bị tuyên án chung thân tại Nhà tù Shawshank. Sau khi nhận bản án, Andy dần làm quen với cuộc sống trong tù với không ít lần bị chèn ép và làm nhục. Nhưng cũng tại đây, Andy làm quen được với những người bạn tốt bụng, cùng chia ngọt sẻ bùi cùng anh trong quãng thời gian trong tù. Trong số đó có Red (Do Morgan Freeman thủ vai), người bạn đã giúp đỡ Andy rất nhiều và về sau họ trở thành hai người bạn thân thiết.

Chiếm 80% nội dung phim, là câu chuyện về 20 năm trong tù của Andy với những mẫu chuyện rời rạc nhưng mang đầy những ý nghĩa và ẩn dụ. Đó là câu chuyện khi Andy bị nhóm “The Sisters” quấy rối, chuyện Andy giúp những người bạn tù được uống bia, chuyện Andy viết thư xin hội đồng thành phố xây dựng thư viện cho nhà tù, chuyện Andy giúp anh bạn tù trẻ lấy bằng tốt nghiệp, chuyên Andy giúp những cai ngục lách tiền thuế,… Diễn biến phim cứ như thế, cực kì đơn giản, không lắt léo đánh đố nhưng lại vô cùng logic và cuốn hút.

Rồi cho đến cuối phim khi Plot twist bất ngờ xảy ra, buộc người xem phải dần xâu chuổi lại những sự kiện để rồi “ồ” lên vì cách xây dựng tình tiết đan xen quá thú vị và độc đáo. Plot twist tháo gỡ gần như tất cả các nút thắt, tạo cao trào nâng tầm cảm xúc của khán giả.

Những mẫu chuyện rời rạc trong thời gian 20 năm mang nhiều ý nghĩa biểu trưng và bài học trong cuộc sống.

Chuyện ông thủ thư già Brooks Hatlen bất ngờ treo cổ tự vẫn chỉ sau vài ngày được ân xá tưởng chừng khó hiểu nhưng sự thực lại rất logic. Gần trọn cuộc đời Brooks sống trong tù, ông xem mọi thứ ở đây là cuộc sống của mình và theo như Red nói, ông đã bị “thể chế hóa”. Nên khi được ân xá, ra bên ngoài một xã hội xa lạ, Brooks không còn cách nào khác phải giải thoát bản thân bằng cách tự vẫn.

Chuyện Tommy Williams một thằng nhóc “rác rưởi và vô cùng ngạo mạn” được Andy giúp đỡ để lấy tấm bằng tốt nghiệp trung học. Tommy tìm cách giúp Andy giải oan khi chấp nhận làm chứng và lật lại vụ án nhưng bị tên trưởng ngục Norton nhẫn tâm giết hại cậu. Nguyên nhân ai cũng biết, vì hắn sợ mất một cố vấn tài chính đắc lực cũng như sợ những bí mật về nguồn tiền bẩn của mình bị lộ nếu Andy được ra tù. Khi lợi ích của con người bị đe dọa, những kẻ có dã tâm sẵn sàng hãm hại người khác để giữ lợi ích của mình.

Gieo nhân nào gặp quả ấy, cuối cùng, chính tên Norton đã nhận lại toàn bộ những hậu quả mà mình gây ra nhờ sự thông minh và tính toán của Andy.

Về phần diễn viên, diễn xuất tài tình của cặp đôi Tim Robbins và Morgan Freeman góp phần lớn vào sự thành công của bộ phim.

Tim Robbins vào vai Andy một cách xuất sắc. Tim Robbins truyền tải được “thần thái” của một người tù oan với những tâm sự nhưng ẩn chứa bên trong là một người mạnh mẽ, nghị lực và vô cùng thông minh. Từ ánh mắt cho đến cách nói chuyện cũng đủ làm người xem phải cuốn hút và tò mò cùng Andy.

Morgan Freeman đóng vai trò quan trọng khi đứng ở ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện cho người xem. Với biệt danh “Người đàn ông với giọng nói của Chúa”, Morgan Freeman dẫn dắt câu chuyện một cách liền mạch với một giọng đọc trầm ấm giúp liên kết cảm xúc người xem.

Những vai phụ còn lại trong phim đều hoàn thành rất tốt vai diễn ủa mình. Đặc biệt là nhóm bạn tù của Andy, dù là những vai diễn phụ nhưng những nhân vật này thể hiện rất tự nhiên và chân thực từ lời thoại cho đến hành động.

Góc Điện Ảnh cho rằng Nhà tù Shawshark là một  bộ phim xuất sắc nhất nền điện ảnh đương đại. Một bộ phim tâm lý nhẹ nhàng, nội dung sáng tạo, logic, độc đáo và đặc biệt có một kết thúc có hậu làm hài lòng khán giả.

Những thành công tới muộn cho phim Nhà tù Shawshank

Là một bộ phim hay và thú vị như vậy nhưng The Shawshank Redemption lại gặp nhiều trắc trở trên con đường được khán giả đại chúng đón nhận. Khi vừa ra mắt, vì bị cạnh tranh quá lớn của Forrest Gump và Pulp Fiction nên năm đó, bộ phim không mang lại thành công về cả doanh thu và các giải thưởng dù nhận được rất nhiều đề cử.

Vào năm 1998, The Shawshank Redemption không hề có trong danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ. Đến năm 2007, Nhà Tù Shawshank được xếp vị trí thứ 72 trong danh sách chỉnh sửa, vượt lên trên cả chính đối thủ Forrest Gump và Pulp Fiction hai bộ phim được tán dương nhất ra rạp cùng năm 1994 với The Shawshank Redemption.

Không dừng lại ở đó, năm 2004, The Shawshank Redemption lọt vào top 5 phim hay nhất mọi thời đại của tạp chí điện ảnh Empire và đến năm 2006, phim vương lên vị trí số một.

Đặc biệt trên trang IMDb, The Shawshank Redemption được đánh giá là phim hay nhất mọi thời đại với điểm số 9,3/10 từ hơn 1tr lượt đánh giá. Và cho đến tận hôm nay, trong rất nhiều bảng xếp hạng phim, The Shawshank Redemption vẫn luôn là cái tên được đề xuất hàng đầu cho vị trí bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Xem thêm những bài giới thiệu phim hay tại: Góc Điện Ảnh

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
9.5
Diễn Viên
9
Âm Nhạc
9
Hình Ảnh
9.2
review-phim-the-shawshank-redemption-1994-bo-phim-hay-nhat-moi-thoi-daiGóc Điện Ảnh cho rằng Nhà tù Shawshark là một  bộ phim xuất sắc nhất nền điện ảnh đương đại. Một bộ phim tâm lý nhẹ nhàng, nội dung sáng tạo, logic, độc đáo và đặc biệt có một kết thúc có hậu làm hài lòng khán giả.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here