Sau thất bại đau đớn của Justice League, tương lai của vũ trụ điện ảnh DC trở nên đen tối hơn cả tiền đồ chị Dậu. Bởi lẽ có nằm mơ Warner Bros cũng không để ngờ được rằng bộ phim quy tụ những nhân vật đình đám nhất của họ lại chỉ thu về vẻn vẹn 657 triệu đô.

Vào thời điểm đó, DC phải đối mặt với rất nhiều áp lực bủa vây. Từ dự án The Batman thay đổi đạo diễn và biên kịch, tới việc Ben Affleck rời bỏ vai diễn Batman,… Tất cả đều nhìn DC với con mắt đầy hoài nghi, liệu họ sẽ làm gì để vực dậy một vũ trụ điện ảnh rệu rã đến như vậy? Sự nghi ngờ tiếp diễn khi DC thông báo kế hoạch ra mắt Aquaman và Shazam. Cũng phải thôi, đến Liên Minh Công Lý còn chật vật ở phòng vé thì nói gì đến 2 nhân vật không mấy quen thuộc với khán giả cơ chứ.

Xem thêm: 

Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi Aquaman thắng lớn với doanh thu hơn 1 tỷ đô toàn cầu. Thừa thắng xông lên, DC tung thêm Shazam lên màn ảnh rộng và có thể nói, đây tiếp tục là một thắng lợi khác của họ.

Shazam cái tên còn quá xa lạ?

Với khán giả đại chúng, Shazam có lẽ vẫn còn là một cái tên còn khá xa lạ. Shazam là một vị phù thủy già, có nhiệm vụ canh gác bảo vệ trái đất khỏi The Seven Deadly Sins – 7 tội lỗi nguyên thủy nhất của loài người: Ngạo mạn, Tham Lam, Dâm dục, Phẫn nộ, Tham ăn, Lười biếng, Đố kỵ. Thời điểm thấy mình sắp phải ra đi, ông đã lựa chọn cậu bé Billy Batson làm người kế nhiệm mình. Theo đó, mỗi khi hô to 2 từ Shazam, Billy sẽ biến thành một người đàn ông trưởng thành với sức mạnh của các vị thần:

  • S – Sự thông thái của Solomon
  • H – Sức khỏe của Hercules
  • A – Sự dẻo dai của Atlas
  • Z – Sức mạnh của Zeus
  • A – Lòng dũng cảm của Achilles
  • M – Tốc độ của Mercury

Shazam hé lộ cho chúng ta nhiều điều về quá khứ của Billy. Do bị lạc trong công viên từ khi còn nhỏ, Billy trở thành trẻ mồ côi nhưng liên tiếp trốn khỏi các nhà nuôi dưỡng ở 6 hạt.

Trong một lần chạy trốn đám du côn trường học, Billy phát hiện tàu điện ngầm đưa mình đến một địa điểm bí ẩn. Đó chính là The Rock of Eternity, nơi cậu gặp Shazam và được phù thủy này truyền cho sức mạnh của mình.

Phim cũng khéo léo lồng ghép sự ra đời của Dr Thaddeus Sivana – Kẻ thù truyền kiếp của Shazam. Trong truyện tranh, Sivana là một thiên tài với trí thông minh vượt trội so với thời đại nên bị xem là kẻ kỳ quặc, quyết định trả thù trái đất vì dám chế giễu ông ta. Còn trong phim, Thaddeus Sivana lúc nhỏ cũng từng đặt chân đến The Rock of Eternity trong hành trình Shazam tìm người kế nhiệm nhưng bị trả về do không có trái tim thuần khiết. Ngay lúc ấy, The Seven Deadly Sins đã dụ dỗ Sivana thả tự do cho bọn chúng với lời hứa trao cho hắn sức mạnh tối cao. Khi trưởng thành, Sivana đầu tư tiền của vào phòng nghiên cứu, tìm mọi cách quay trở lại The Rock of Eternity để giải phóng Thất Đại Tội.

Sự bất mãn với bố và anh trai bị dồn nén từ nhỏ, cảm giác thất vọng khi bị từ chối bởi “cháu không có trái tim thuần khiết”, tất cả đã tạo nên một kẻ phản diện mưu mô, nguy hiểm nhưng thực chất lại có nội tâm yếu đuối. The Seven Deadly Sins đã lợi dụng điểm yếu này để dễ dàng thao túng Thaddeus, dần biến hắn thành tay sai của mình. Tôi thấy đây là ý tưởng hay để xây dựng nhân vật Thaddeus Sivana bởi nếu cứ theo đúng nguyên tác thì chúng ta sẽ phải mất thời gian nói về việc ông này thông minh thế nào, trở nên biến chất ra sao, rồi còn cả quá trình di cư lên sao Hỏa nữa. Kiểu gì cũng thành 1 đoạn kể lể nguồn gốc xuất xứ ngay đầu phim. Mà motif ấy giờ nhàm lắm rồi.

Sự chuyển mình của vũ trụ DC

Từ xưa đến nay, chỉ cần nhắc đến DC, người ta ngay lập tức sẽ nghĩ về một bộ phim u ám, đen tối. Điều đó hiển nhiên đến mức chính Deadpool cũng từng đá đểu DCEU trong Deadpool 2 “You are so dark. You sure you’re not from DC Universe?”. Nhưng sau khi Aquaman, và đặc biệt là Shazam công chiếu, có lẽ gã đánh thuê lắm mồm sẽ phải suy nghĩ lại về câu nói của mình. Bởi Shazam thực chất vẫn chỉ là một đứa trẻ trong diện mạo người lớn, hơn nữa siêu anh hùng này hướng tới khán giả đại chúng với triết lý “Gia đình là sức mạnh” nên Shazam mang tông màu tươi sáng và không thiếu những khoảnh khắc hài hước rất duyên.

Người xem sẽ phải bật cười trước những hành động trẻ trâu của Billy Batson cùng cậu bạn Freddy Freeman khi hai cậu bé quay lại những lần sử dụng sức mạnh rồi đăng lên mạng, biến thành Shazam để mua bia nhưng thử được một ngụm rồi thì phải bỏ cuộc vì khó uống quá, nhờ bọn trộm bắn súng thẳng vào mặt để xem mình có làn da chống đạn như Superman không,…Thậm chí Billy còn nghĩ nếu đã có siêu năng lực rồi thì cần gì phải đi học nữa khi mình có thể kiếm tiền từ nó.

Khán giả chắc chắn sẽ đồng cảm sâu sắc với nhân vật bởi ai trong chúng ta cũng từng có một thời như thế. Ước mình khỏe như Siêu Nhân này, có khả năng bay lượn khắp nơi này,… Rồi bỗng nhiên một ngày được ban cho siêu năng lực của Superman, ai chả muốn dùng thử, muốn khoe khoang khắp nơi chứ. Nhưng Billy mới chỉ là một cậu nhóc 14 tuổi và vì vậy những rắc rối cứ liên tục xuất hiện. Có sức khỏe, có siêu tốc độ, có thể điều khiển sét nhưng khi gặp cướp, Billy ngay lập tức đứng núp sau Freddy. Gặp ai cũng tự nhận mình là siêu anh hùng nhưng khi thấy chiếc xe buýt sắp đâm thẳng xuống đất, việc đầu tiên Billy có thể nghĩ ra là cầu nguyện cho nó đừng rơi nữa. Đánh không lại Thaddeus Sivana thì ngay lập tức biến thành hình dạng thật để lẩn trống trong đám đông.

Giống như Freddy đã nói “Cậu sở hữu sức mạnh nhường ấy nhưng chỉ nghĩ đến bản thân mình”, Billy chưa ý thức được rằng nếu sử dụng sai mục đích, siêu năng lực của mình có thể biến thành hiểm họa bất cứ lúc nào. Việc Billy khoe mẽ khả năng vô tội vạ xém chút nữa làm các hành khách trên chuyến xe mất mạng, thậm chí còn khiến những thành viên khác trong nhà nuôi dưỡng gặp nguy hiểm do Thaddeus Sivana dùng họ để uy hiếp Billy hòng cướp đoạt sức mạnh của nhà vô địch. Đến lúc này, cậu nhận ra bản thân không thể mãi trốn chạy nữa mà phải đứng lên chiến đấu với cái ác bởi “Siêu anh hùng mà không thể bảo vệ gia đình mình thì đâu còn gọi là siêu anh hùng nữa”.

Hành trình trở thành một siêu anh hùng

Shazam có nội dung quen thuộc khi nói về quá trình trưởng thành một siêu anh hùng trẻ tuổi thông qua việc sửa chữa sai lầm của bản thân để từ đó nhận ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Với Billy, điều đó chính là gia đình. Trong mắt của mọi người, Billy là một đứa nhóc chuyên gây rối, không chịu yên phận khi đã được nhận nuôi. Nhưng thực ra, cậu bé 14 tuổi ấy lúc nào cũng chỉ muốn có một mái ấm của riêng mình. Trong thâm tâm, Billy không muốn bị coi là trẻ mồ côi bởi lúc nhỏ cậu chỉ bị lạc thôi, mẹ cậu vẫn ở đâu đó ngoài kia mà.

Mang theo suy nghĩ đó, Billy trở nên thu mình, không hòa nhập với các thành viên trong nhà nuôi dưỡng của Vasquez. Cậu không cùng cầu nguyện với cả nhà trước mỗi bữa ăn, không muốn nói chuyện với Freddy, cảm thấy phiền phức trước sự nhiệt tình của Darla,… Billy từ chối tất cả sự quan tâm của mọi người dành cho mình bởi cậu bé còn bận dồn hết tâm trí vào việc tìm mẹ ruột. Đó mới là gia đình của cậu, còn mọi người ở đây chỉ là người dưng nước lã mà thôi.

Vào khoảnh khắc biết được mẹ mình đã tái hôn và chỉ sống ở cách đây 2 dãy phố, Billy đã ngay lập tức chạy đến khu chung cư để tìm bà. Với tâm trạng háo hức xen lẫn hồi hộp, cậu vội chỉnh chu lại quần áo đầu tóc, giọng nói cũng có phần run run vì sắp được gặp lại mẹ sau nhiều năm xa cách. Thế nhưng, thứ cậu nhận được không phải những cái ôm ấm áp mà là thái độ ngạc nhiên, dè dặt cùng sự thật phũ phàng.

Hóa ra ngày Billy bị lạc, Rachel đã tìm thấy con trai ngay sau đó. Nhưng khi ấy, bà vẫn còn quá trẻ, phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh cùng sự phản đối mối quan hệ với bố của Billy từ phía gia đình. Chính vì vậy, bà đã quyết định bỏ đi để Billy có thể nhận được sự chăm sóc tốt hơn. Thật sự là nghe xong lời biện minh này, không chỉ Billy mà chính khán giả cũng sẽ cảm thấy đau lòng thay cậu. Rachel nói muốn Billy được chăm sóc tử tế hay chính bà đang tìm cách chối bỏ cậu để bắt đầu cuộc sống mới? Bà không nhớ gì đến đứa con mình dứt ruột đẻ ra, không có chút vui mừng nào khi gặp lại Billy, thậm chí còn không muốn cho người khác biết đến sự tồn tại của cậu.

Lúc nào cũng khao khát tìm mẹ, nhưng lúc gặp rồi mới biết hóa ra mẹ vốn không cần mình. Không có mình, mẹ còn như trút được gánh nặng vậy. Với một đứa bé 14 tuổi, còn gì có thể đau đớn hơn thế? Đến cả chiếc móc chìa khóa la bàn – món quà cuối cùng mà Rachel tặng Billy ngày ở công viên, thứ được Billy nâng niu như báu vật nhưng với Rachel, nó cũng chỉ là một món đồ bình thường. Bà vốn đã quên phần ký ức ấy từ lâu, còn Billy vẫn nhớ như in suốt ngần ấy năm: “Đây mới là món quà thật sự. Con có thể dùng nó cả đời. Có nó, con sẽ luôn tìm thấy con đường của mình”. Nhưng giờ đây, kể cả khi không có chiếc la bàn ấy, trái tim Billy cũng đã tìm thấy nơi mà cậu thuộc về. Đó là căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười của Rosa và Victor, cùng với Freddy, Darla, Mary, Eugene và Pedro.

Victor từng nói với Billy: “Nhà không phải là nhà cho đến khi con coi nó là gia đình”. Và sau tất cả, cậu đã về nhà.

Dàn diễn viên xuất sắc

Một điểm sáng nữa của phim đến từ các diễn viên chính. Đầu tiên là nam diễn viên Zachary Levi, đã 38 tuổi rồi nhưng vẫn thể hiện được tính tưng tửng, nhí nhố của Shazam. Nếu bạn thấy anh này trông quen quen thì đúng rồi đó. Zachary được biết đến nhiều nhất thông qua vai diễn Chuck Bartowski của series Chuck. Ngoài ra ảnh còn đóng Fandral trong Thor nữa các bạn ạ. Nhưng sau khi được Hela hóa kiếp trong Thor: Ragnarok, anh đã quay sang đầu quân cho DC.

Tiếp đến là Jack Dylan Grazer với vai diễn Freddy Freeman. Siêu anh hùng nào cũng cần một phụ tá và trong Shazam, người thích hợp nhất với vị trí này không ai khác ngoài Freddy. Vốn là một fan bự của các người hùng, Freddy sưu tầm tất cả những gì liên quan đến Liên Minh Công Lý. Từ áo mũ có logo Superman, cặp có logo Batman, Batarang, đến tạp chí có bài viết về Superman,… Thậm chí Freddy còn bỏ tiền mua viên đạn đã từng bắn vào người Superman nữa kìa.

Bởi vậy, khi thấy Billy còn bỡ ngỡ trong thời gian đầu làm anh hùng, Freddy đã nhiệt tình hỗ trợ cậu bạn cùng nhà bằng cách hướng dẫn Billy khám phá các năng lực tiềm ẩn của mình, nghĩ luôn ra cả biệt danh “Đội Trưởng Ngón Tay Tí Tách” cho Billy nữa. Tôi nghĩ trong trường hợp Shazam chưa có sẵn trang phục, chắc Billy cũng sẵn sàng kiêm cả việc thiết kế luôn.

Và cuối cùng tất nhiên là không thể thiếu Asher Angel – Billy Batson của chúng ta rồi. Xem Asher Angel diễn xuất, khán giả bắt gặp một Billy phải trưởng thành trước tuổi, bề ngoài nghịch ngợm phá phách nhưng trong lòng lại chất đầy tâm sự.

Easter eggs và cameo khắp mọi nơi

Shazam là một trong những anh hùng lầy lội nhất của DC nên trong phim cũng không thiếu những màn cameo nhây không kém. Có thể kể đến phân cảnh Shazam và Thaddeus Sivana đánh nhau trong trung tâm thương mại, Shazam đã ném món đồ chơi hình Batman vào Thaddeus. Để ý kỹ hơn sẽ thấy có cả mô hình Wonder Woman nữa. Aquaman nằm không cũng trúng đạn khi trong after credit 2, Shazam cho rằng việc nói chuyện được với cá để tạo ra đội quân dưới biển thật ra cũng không ngầu lắm. Và ngoài ra là sự xuất hiện đầy bất ngờ của Superman (nhưng bị cắt mất phần đầu) khi Shazam mời anh đến trường ăn trưa cùng mình và Freddy.

Billy có vẻ rất mê bộ phim Rocky của Sylvester Stallone khi nhắc đến việc nhân vật Rocky chạy trên những bậc thềm của viện bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia. Ngay cả câu hát “Hands, lighting with my hands” cũng lấy nhạc nền của ca khúc Eye Of The Tiger – nhạc phim Rocky. Đến cả 2 vợ chồng đạo diễn David F. Sandberg cũng có mặt trong phim với vai diễn tiến sĩ Lynn Crosby – người cùng làm dự án nghiên cứu với Thaddeus nhưng bị bay màu ngay tức khắc. Còn David F. Sandberg hóa thân thành 1 trong 2 con cá sấu đằng sau cánh cửa ở The Rock of Eternity.

Phim cũng hé lộ sự xuất hiện của Black Adam và Mr Mind – 2 kẻ thù nguy hiểm khác của Shazam. Mr Mind là con sâu bướm bị giam trong lồng kính ở The Rock of Eternity nhưng vô tình được Thaddeus giải phóng cùng The Seven Deadly Sins. Trong after credit 1, Mr Mind tìm đến phòng giam của Thaddeus với lời đề nghị hợp tác. Còn Black Adam chỉ được đề cập đến qua lời kể của vị phù thủy già khi hội đồng phù thủy đã chọn sai người vô địch. Kẻ này khi được ban sức mạnh đã trở nên biến chất và giải thoát The Seven Deadly Sins ra ngoài thế giới. Đây sẽ là số nguyên liệu phong phú để đạo diễn David F. Sandberg bắt tay vào sản xuất phần 2 của phim và tôi rất mong Shazam 2 sẽ không đi vào vết xe đổ của Deadpool 2 năm ngoái.

Những đánh giá tích cực từ giới phê bình

Shazam được chấm 7.6/10 trên IMDb, đạt chứng nhận 90% tươi của Rotten Tomatoes. Các chuyên gia metacritic.com đánh giá phim ở mức khá với số điểm 71/100. Tôi thấy DC khá có duyên với các đạo diễn đánh lái từ thể loại kinh dị sang khi họ đạt được thành công với đạo diễn Zack Snyder, đạo diễn James Wan và giờ là David F. Sandberg. Chú này thì đã quá nổi tiếng với Lights Out, Annabelle: Creation rồi và giờ cũng rất mát tay khi thử sức với thể loại siêu anh hùng.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những nhận định kiểu như DC thỏa hiệp với phong cách đại chúng, DC đang tự hủy hoại mình,… khiến tôi tự hỏi phải chăng một bộ phận khán giả vẫn còn quá khắt khe với DC. Họ chê các phim trước đây quá đen tối, quá khó hiểu. Nhưng khi DC chuyển sang những gam màu tươi sáng hơn cùng nội dung gần gũi hơn, họ lại nói DC bắt chước Marvel? Sao lại là bắt chước khi Shazam vốn đã là một siêu anh hùng lầy lội? Đen tối thế nào được nữa khi phim nói về tình cảm gia đình? Cái gì một màu mãi rồi cũng sẽ đến lúc nhàm chán.

Một vũ trụ điện ảnh thành công là khi họ mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm đa dạng, giống như MCU dần trưởng thành và thu được trái ngọt với Infinity War. Tôi đánh giá Shazam là một thương vụ thành công của DC và Warner Bros khi phim nói về một nhân vật mới toanh và lần này họ cũng không tập trung quảng bá nhiều cho Shazam.

Shazam là lời khẳng định lần 2 của DC rằng họ có thể làm phim với nội dung tươi sáng hài hước nhưng vẫn đậm tính nhân văn. Qua đó chứng minh được thành công của Aquaman không phải đến từ sự may mắn. Với từng bước đi chậm mà chắc, tôi rất hy vọng vào sự trở lại của Worlds Of DC trong tương lai gần.

Chau Wayne

NGUỒNChâu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here