Cuối cùng rạp chiếu phim cũng đã hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì Covid. Có mấy tháng mà cảm giác như một năm vậy các bạn ạ. Cho nên ngay khi rạp Lotte gần nhà mở cửa, tôi đã phi ngay ra rạp cho đã cơn nghiền dù dạo này vẫn chưa có nhiều phim hay lắm. Và sau đây sẽ là vài lời Review phim Đường Hầm Sinh Tử (The Tunnel) tác phẩm về đề tài thảm họa của ddienj ảnh Na Uy.
Cảnh báo: Có SPOIL. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!!!
Xem thêm:
Na Uy có hơn 1.100 đường hầm xuyên núi nhưng tất cả đều không có lối thoát hiểm, nên những người tham gia giao thông phải tự tìm cách bảo vệ mình. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi có tai nạn trong đường hầm? phim Đường Hầm Sinh Tử được lấy cảm hứng từ một trong những vụ tai nạn đó.
Nội dung phim Đường Hầm Sinh Tử
Nhân vật chính của phim là lính cứu hỏa Stein và cô con gái Elise. Lúc đầu xem trailer tôi thấy hơi khó hiểu với hành động của Elise khi cô bạn tỏ ra khó chịu lúc Stein tuyên bố: “Bố mẹ đã bàn kế hoạch cho giáng sinh”. Hóa ra, Ingrid – người phụ nữ ngồi cạnh Stein là bạn gái của chú này, còn mẹ của Elise thì đã mất vài năm trước vì bệnh. Elise giận bố không đến thăm mộ mẹ nhưng lại có thời gian đến quán cà phê của Ingrid. Vậy nên, Elise đã bắt chuyến xe tốc hành về nhà ông bà và bị mắc kẹt trong hầm Storfjell.
Nói chung motif thường thấy của thể loại này sẽ là bố con xích mích → con gái bị mắc kẹt trong hầm → ông bố vượt qua mọi hiểm nguy giải cứu con gái → mọi hiểu lầm được hóa giải. Tôi đã nghĩ Đường Hầm Sinh Tử cũng vậy nhưng phim lại khiến tôi hụt hẫng đôi chút bởi hành trình cứu hộ của Stein dường như hơi dễ dàng.
Stein được giới thiệu là nhân viên cứu hỏa giỏi nhất đội nên tôi rất hy vọng phim sẽ có những cảnh cháy nổ đì đùng để chú có đất thi triển kỹ năng. Tuy nhiên, đời không như là mơ bởi vụ nổ xe bồn chỉ tạo ra cột khói siêu to khổng lồ trong khi tôi tưởng sẽ phải sập hầm chập điện các kiểu. Đã thế Elise lại còn là con nhà nòi nên khi có biến, bạn này ngay lập tức đưa mọi người đến phòng trú ẩn an toàn nên công cuộc giải cứu lại càng nhẹ nhàng hơn nữa. Thậm chí quá trình cứu hai bé gái bị lạc mẹ còn khó khăn hơn cả lúc tìm kiếm Elise.
Đánh giá phim
Có thể đạo diễn Pål Øie muốn hướng tới khai thác tâm lý nhân vật chứ không tập trung vào yếu tố thảm họa nhưng ý đồ này cũng không thành công lắm bởi phim sa đà quá nhiều vào các nhân vật khác, điển hình như gia đình 4 người nhà Mia, nhân viên tổng đài Andrea, hai bố con bị kẹt lại thị trấn vì hỏng xe và cậu thanh niên tóc dài. Ừ, 2 chị em Martine thì thôi đi, bị lạc trong đường hầm để tạo công ăn việc làm cho Stein.
Thế những người còn lại thì sao? Nói trắng ra là chẳng có vai trò gì mấy. Trên quyển sổ ghi chép của Andrea có tẩm ảnh cô cõng con trai đi biển nhưng đến cuối phim, người xem mới phát hiện ra cô phải ngồi xe lăn. Có lẽ trước đó xảy ra tai nạn khiến cô mất đi đứa con và đôi chân. Vậy nên Andrea tha thiết mong Stein cứu chị em Martine bởi cô không muốn bà mẹ nào phải chịu nỗi đau mất con giống mình. Đấy là tôi tự suy đoán vậy chứ cũng không có dấu hiệu cụ thể nào cả. Nhưng cô này cũng câu giờ lắm cơ, rõ ràng là lúc trước đã được Martine phím cho là bọn cháu trốn trong xe đưa thư, lại còn cẩn thận ghi ra giấy. Thế mà mãi khi Stein ngạt khói cay xè mắt thì Andrea mới nhớ ra thông tin quan trọng này. Chắc Andrea muốn tăng độ khó cho game nhưng suýt chút nữa là cổ hại chết Stein rồi.
Đấy là những nhân vật mà ít nhất tôi có thể miễn cưỡng kết nối với phim. Còn 2 bố con đi xe ô tô với anh thanh niên thì chả hiểu cho vào làm gì luôn. Ông bố thì lúc nào cũng vội vã và cáu gắt sau khi bị một nhân viên cứu hộ dọa đi đường quyền với nghe xong cuộc điện thoại của vợ thì đột nhiên biết trân trọng cuộc sống, nhìn con trai với ánh mắt trìu mến? Cậu thanh niên thì không có nổi một câu thoại ra hồn ngoài cảnh xin đi nhờ xe rồi sau đó chỉ có ngồi gấp giấy và cười một mình? Phim Đường Hầm Sinh Tử mất quá nhiều thời lượng vào những người thừa thãi mà quên mất rằng cha con Stein mới là nhân vật chính.
Đáng lẽ nên có thêm cảnh Stein đưa mọi người ra ngoài an toàn nhưng chú với Elise lại bị kẹt ở trong, từ đó tạo không gian cho bố con tâm sự. Trong hoàn cảnh nguy hiểm bủa vây, không biết giây tiếp theo số phận của mình sẽ ra sao, con người ta có xu hướng nói lên những suy nghĩ vẫn giấu kín bấy lâu. Khi đó, Elise sẽ chịu lắng nghe nỗi lòng của bố, rằng chú vẫn luôn dành cho mẹ của Elise một góc trong trái tim mình. Việc Stein tìm được tình yêu mới và tiến về phía trước không đồng nghĩa với việc chú sẽ quên đi người vợ đã khuất.
Chứ trong phim, chỉ cần Stein lao vào giải cứu Elise là cô bạn ngay lập tức bỏ lại tất cả những xích mích phía sau, như vậy thì nhanh quá. Mà không biết mọi người như thế nào, chứ tôi thấy hành động quay lại đường hầm của Elise không cảm động tí nào luôn. Stein mạo hiểm lao vào nguy hiểm là để giải cứu Elise, chứ không phải để cô bạn sắp thoát rồi lại chạy ngược vào trong, đã thế lại còn không có nổi cái mặt nạ chống khói ra hồn. Nhỡ đâu Elise có chuyện gì thì chả phải bao nhiêu công sức của Stein đổ sông đổ biển hết sao?
Bất chấp chất lượng ở mức trung bình, Đường Hầm Sinh Tử vẫn nhận được số điểm 6,3/10 trên IMDb. Tuy nhiên, nếu các bạn muốn có trải nghiệm cảm giác mạnh hơn thì tôi xin được giới thiệu phim hay Daylight 1996. Cũng là đường hầm nhưng có đủ cháy nổ, chập điện, ngập lụt luôn, đúng chất phim thảm họa Mỹ luôn. Bên cạnh The Specialist thì đây là một trong những phim của Sylvester Stallone mà tôi khá yêu thích.
Phim Đường Hầm Sinh Tử muốn mượn vụ tai nạn trong đường hầm để làm nổi bật tình người, tình cảm gia đình trong thảm kịch, nhưng kịch bản ôm đồm và có phần dài dòng đã khiến mạch phim bị loãng, không có điểm nhấn. Nhưng với số lựa chọn ít ỏi hậu Covid, đây vẫn là một sự lựa chọn dành cho những ai muốn có những giờ phút giải trí tại rạp phim.
Châu Nguyễn
- Review và giải thích phim The room 2019 (Căn phòng cám dỗ)
- Review phim Uncut gems sự trở lại ấn tượng của Adam Sandler