Thông thường, một phim thất bại về doanh thu sẽ khó có phần tiếp theo nhưng có lẽ phim Cô gái trong lưới nhện ảo (The Girl in the Spider’s Web) là ngoại lệ của Sony. Phần phim trước, The Girl with the Dragon Tattoo tuy được giới phê bình đánh giá cao nhưng doanh thu thấp khiến hãng Sony khá lao đao, nên trong phần phim này được Sony đặt kì vọng rất lớn. Cùng Góc Điện Ảnh review phim Cô gái trong lưới nhện ảo (The Girl in the Spider’s Web) xem liệu những đánh giá của giới phê bình trong phần này có hợp lòng khán giả ra rạp xem không?
Từ đạo diễn cho đến vai chính trong phim đều được “thay máu” và cả phong cách phim cũng được thay đổi khá nhiều nên nếu so sánh giữa phần 1 và phần 2 của phim này là điều khá khập khiễn. Chính vì vậy, trong bài review phim Cô gái trong lưới nhện ảo này, Góc Điện Ảnh sẽ hạn chế đề cập và so sánh với phần trước.
Xem thêm:
Nội dung phim Cô gái trong lưới nhện ảo (The Girl in the Spider’s Web) tiếp tục kể về hành trình phá án của Lisbeth Salander đồng thời hé lộ quá khứ của cô từ khi còn trẻ. Lisbethe là một hacker chuyên nghiệp, đồng thời cũng là một phụ nữ mạnh mẽ chuyên trừng trị những gã đàn ông bội bạc thường hành hung phụ nữ hoặc ngoại tình.
Trong một lần nhận vụ mới, Lisbeth gặp phải rắc rối với chương trình máy tính có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. Trong quá trình tìm hiểu sự thật và thoát khỏi sự săn đuổi của các tổ chức, Lisbeth buộc phải tìm đến sự giúp đỡ của Mikael Blomkvist. Từ đây những bí mật dần được hé lộ, hành trình của Lisbeth mỗi lúc càng trở nên nguy hiểm hơn.
Cảm nhận đầu tiên khi xem The Girl in the Spider’s Web đó là phim có gì đó hơi hướng phong cách của những phim về 007. Bộ phim là sự pha trộn của yếu tố hành động nhẹ nhàng và những màn đấu trí, giải mã những âm mưu. Cụ thể trong lần này, thay vì chỉ đơn thuần trừng trị những gã đàn ông xấu xa, Lisbeth phải đối đầu với “mạng nhện” của những tên gián điệp và tội phạm công nghệ mang tầm ảnh hưởng quốc tế.
Cô gái trong lưới nhện ảo không phải là phim hại não như phần trước, thay vào đó là những màn rượt đuổi, đấu súng và đánh đấm hấp dẫn. Cốt truyện tuyến tính nhưng có yếu tố trinh thám nên theo diễn biến câu chuyện, những vấn đề cứ mỗi lúc lại phát sinh thêm, những sự thật bắt đầu chia ra nhiều ngã rẽ khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay từ đầu phim, những nút thắt liên tục được tạo ra để rồi từ giữa phim được nữ hacker tháo gỡ dần dần.
Về dàn diễn viên, nổi bật nhất chính là vai chính Lisbeth Salander do Claire Foy thủ vai. Với khuôn mặt góc cạnh và lạnh lùng, Claire tạo nên một hacker Lisbeth khá hoàn bảo. Lisbeth Salander vừa là một cô gái mạnh mẽ, quyết đoán trong những pha hành động nhưng bên trong là cả một bầu tâm sự và nội tâm giằng xé.
Đồng hành cùng Lisbeth có chàng phóng viên Mikael do Sverrir Gudnason thủ vai. Tuy không có nhiều đất diễn và vai diễn của anh cũng không đóng vai trò quan trọng trong phim nhưng Mikael là một mảnh ghép cần thiết tạo sự liên kết những tình tiết hấp dẫn cho phim. Khi vai chính thuộc về một cô gái lạnh lùng và mạnh mẽ thì nam phụ thường chỉ là một cái bóng nhạt nhòa.
Về vai phản diện Camilla Salander, nhân vật được xây dựng mờ nhạt, dù bề ngoài có vẻ là kẻ khá nguy hiểm nhưng suốt phim chưa thấy “đủ đô” để tạo độ khó cho nữ chính.
Phần âm nhạc và hình ảnh trong phim đánh giá ở mức tạm ổn. Phần nhạc phim được lồng ghép khá tinh tế tạo được hiệu ứng khi kết hợp với những pha hành động, khi thì réo rắt du dương khi lại ầm ầm sôi động. Phim có tông màu ám xanh lạnh lẽo và u ám tạo không khí bí ẩn đúng kiểu một bộ phim trinh thám phá án.
Tóm lại, Cô gái trong lưới nhện ảo (The Girl in the Spider’s Web) là một phim hành động hấp dẫn, sự kết hợp giữa 007 và Automic Blonde. Cũng chính vì thế mà phim này chỉ phù hợp cho khán khả đại chúng mà không thể làm hài lòng những nhà phê bình bởi đi khá xa nguyên tác truyện và hình ảnh Lisbeth thường thấy. Phim thích hợp để cùng bạn bè ra rạp thưởng thức cuối tuần này.