Review hoạt hình Coraline (2009) – Hành trình của lòng can đảm

Review phim hoạt hình Coraline tác phẩm dẫn đầu cuộc cách mạng, thổi lên làn gió lạnh lẽo mà đầy đột phá, mới mẻ cho dòng phim kinh dị.

Phim hoạt hình Coraline không đơn thuần chỉ là “phim hoạt hình trẻ em” mà còn là một cuộc cách mạng, thổi lên làn gió lạnh lẽo mà đầy đột phá, mới mẻ cho dòng phim kinh dị.

“Can đảm không có nghĩa là ta không hề run sợ. Can đảm có thể là lúc ta sợ hãi, cực kì sợ hãi, sợ hãi đến tột cùng, nhưng vẫn dám đương đầu và hành động theo lẽ đúng mặc cho tất cả.” – Neil Gaiman, Coraline.

Xem thêm:

Poster hoạt hình Coraline (2009)
Poster hoạt hình Coraline (2009)

Phim hoạt hình Coraline được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Neil Gaiman, xây dựng hình tượng nhân vật chính là cô bé Coraline Jones. Coraline cùng bố mẹ chuyển từ Michigan tới một khu nhà tập thể mang tên “Pink Palace” ở Oregon. Coraline tỏ ra vô cùng chán nản trước cuộc sống thực tại, từ căn nhà dột nát, bẩn thỉu cho tới những người hàng xóm quái gở, kì dị. Ngày qua ngày, Coraline cứ thế sống một cuộc đời đơn độc, mệt mỏi trong tiết trời đông u tối, giá lạnh. Cô bé không có bạn bè, những người thân thiết nhất với Coraline lúc bấy giờ là bố và mẹ cô bé, lại luôn bận bịu với công việc mà bỏ rơi cô.

Cho tới một ngày nọ, Coraline khám phá ra cánh cửa thần kì đến một thế giới khác – một thế giới phản chiếu lại thực tại của cô bé, nhưng ở đó mọi thứ hoàn hảo đến lạ thường. Nơi đó vẫn có khu tập thể Pink Palace, nhưng lại chẳng hề tồi tàn, cũ kĩ mà vô cùng thơ mộng, khang trang. Nơi đó vẫn có những người hàng xóm, nhưng họ không hề lập dị, gàn dở mà trái lại, rất đáng yêu, dễ mến. Nơi đó vẫn có bố, có mẹ, nhưng họ sao khác quá, họ rất thương yêu, chiều chuộng Coraline chứ chẳng tỏ ra thờ ơ, cáu kỉnh với cô bé bao giờ. Một thế giới quá đỗi hoàn hảo, một thế giới mà Coraline vẫn hằng ước mơ. Coraline đắm chìm trong thế giới hư ảo đó mà không hay biết mình đang rơi vào một cái bẫy kinh hoàng…

Review hoạt hình Coraline (2009) - Hành trình của lòng can đảm

Điều khiến tớ thích nhất ở bộ phim này chính là cách xây dựng hình tượng nhân vật chính Coraline. Ngay từ đầu, cảm xúc mà Coraline truyền tới khán giả chính là sự cô đơn. Coraline là một cô bé với vẻ ngoài khác thường, tính cách kì quặc nhưng mạnh mẽ và có phần xấc xược. Coraline thường ở một mình, chìm đắm trong những suy nghĩ riêng và tách bản thân ra khỏi thực tại. Cô bé có cảm giác mình không thuộc về thế giới này và luôn mơ tưởng về những điều rất xa xôi. Phải nói là tớ rất thích Coraline, vì phần nào cũng khá đồng cảm với suy nghĩ của nhân vật này.

Tình cảm gia đình là một trong những yếu tố cốt lõi của phim hoạt hình Coraline. Bố mẹ của Coraline được xây dựng là những con người có tính cách hơi “nhạt nhẽo”, chỉ chăm chăm vào công việc mà bỏ quên cảm xúc của đứa con gái mới lớn. Chính sự thờ ơ của cha mẹ đã khiến Coraline ngày một chán chường với cuộc sống thực tại và ngày một dấn thân sâu hơn vào thế giới ảo đầy cám dỗ. Bộ phim Coraline như một lời cảnh tỉnh rằng chính sự thờ ơ, hờ hững của các bậc phụ huynh đối với cảm xúc của con cái đang khiến chúng trở nên ức chế, tổn thương và dễ sa chân vào những cám dỗ nguy hiểm của cuộc sống. Thế nhưng suy cho cùng, không một ai trên thế gian hoàn hảo cả, ngay đến cha mẹ chúng ta cũng mắc nhiều sai lầm.

Review hoạt hình Coraline (2009) - Hành trình của lòng can đảm

Cha mẹ có thể không hoàn hảo, nhưng cha mẹ luôn yêu thương chúng ta theo cách hoàn hảo nhất. Cha mẹ cần lắng nghe tâm tư con trẻ, quan tâm đến con trẻ nhiều hơn, đồng thời con cái cũng phải biết thương yêu, cảm thông cho cha mẹ. Tình cảm gia đình mang sức mạnh to lớn vô cùng. Đó là thứ đã đánh thức Coraline khỏi những mộng tưởng về thế giới ảo đầy cám dỗ, là nguồn động lực để cô bé chiến đấu với mụ phù thuỷ độc ác và trở về với cuộc sống bình yên lúc ban đầu.

Có thể nói, Coraline của đạo diễn Henry Sellick như chiếc chìa khóa đưa ta đến với thế giới muôn hình vạn trạng trong bộ não ông, cùng theo đó là những bài học đích thực về tình cảm gia đình. Cái hay của Coraline nằm chính ở cái dị, cái độc đáo của nó. Bộ phim là một chuyến phiêu lưu li kì, nhưng nó không giống bất cứ một cuộc phiêu lưu nào khác, nó không đậm màu sắc cổ tích thần tiên như Alice in Wonderland, nó không mơ mộng, huyền ảo và lãng mạn như chuyến đi của chàng Edward Bloom trong Big Fish. Nó đen tối, đáng sợ, đầy rẫy ma mị, lừa lọc, giả tạo và cám dỗ. Bầu không khí của Coraline làm ta không khỏi liên tưởng tới những tác phẩm kinh điển của đạo diễn đại tài Tim Burton như The nightmare before Christmas, Frankenweenie và Edward Scissorhands.

Thêm vào đó, tớ cũng rất mê phần hình ảnh của Coraline. Từng thước phim hiện lên vô cùng mãn nhãn, tinh tế và mang đậm chất riêng. Màu sắc được chuyển biến theo mạch phim và cảm xúc nhân vật. Ở thề giới thực, chúng ta thường bắt gặp Coraline trong khung cảnh căn nhà, khu vườn tồi tàn với những gam màu lạnh lẽo, u tối, xám xịt. Còn khi bước chân sang thế giới ảo, tông màu của phim bỗng trở nên ấm áp và rực rỡ. Và càng về cuối phim, khi thế giới ảo bắt đầu sụp đổ, thì màu sắc lại dần chuyển về u tối, ma mị và lạnh lẽo.

Hoạt hình Coraline khiến chúng ta phải lặng mình suy ngẫm, rằng liệu ta có đang quá mơ mộng, đang quá ảo tưởng vào một điều gì đó xa xôi mà quên mất đi những giá trị đích thực của thế giới hiện tại. Chúng ta dễ bị mờ mắt, bị hấp dẫn bởi những điều hào nhoáng, bóng bẩy mà quên mất rằng, việc gì cũng có hai mặt. Sự vật đều không giống như vẻ bề ngoài của nó, và biết đâu những thứ hào nhoáng mà chúng ta mê đắm cũng chẳng khác gì thế giới ảo mộng cám dỗ của Coraline? Suy cho cùng, mơ mộng không có gì là sai, thậm chí biết ước mơ đến những thứ tốt đẹp hơn lại là một điều đáng trân quý, nhưng chúng ta cũng đừng vì thế mà thoát li khỏi thực tại. Hãy dựng xây những ước mơ ngay trên thế giới thực tại, và biến thực tại thành điều mà ta luôn hằng mong ước.

Thế giới ảo trong phim hoạt hình Coraline còn là một ẩn dụ tinh vi cho những cám dỗ đầy hiểm nguy của cuộc đời. Để có thể chiến thắng, chế ngự chúng, ta cần có lòng can đảm và bản lĩnh phi thường. Và đúng như Neil Gaiman từng viết: “Can đảm không có nghĩa là ta không hề run sợ. Can đảm có thể là lúc ta sợ hãi, cực kì sợ hãi, sợ hãi đến tột cùng, nhưng vẫn dám đương đầu và hành động theo lẽ đúng mặc cho tất cả.”, hãy luôn hướng tới lẽ đúng lẽ phả. Hãy như Coraline, hãy can đảm vượt lên mọi cám dỗ để tìm lại những giá trị đích thực của cuộc sống và của chính bản thân mình.

Abu

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
8.3
Nhân vật
8.0
Âm Nhạc
7.8
Hình Ảnh
8.5
review-hoat-hinh-coraline-2009-hanh-trinh-cua-long-can-damThế giới ảo trong Coraline còn là một ẩn dụ tinh vi cho những cám dỗ đầy hiểm nguy của cuộc đời.