Cuộc Đệ nhị Thế chiến kết thúc cách nay đã được 75 năm, để lại cả những mất mát và tang thương, lẫn những hào hùng, oanh liệt. Không những thế, nó còn để lại cả những nuối tiếc của ân tình, sầu hận và cả những giằng xé. Chiến cuộc, giao tranh đâu chỉ xảy ra ở chiến trường Bắc Phi, Thái Bình Dương hay Âu Châu; mà nó còn diễn ra ngay ở lòng người. Phản ánh rõ nhất cái “chiến tranh lồng trong chiến tranh” đó, phải kể đến bộ phim bất hủ Casablanca (1942). Được Viện phim Mỹ (American Film Institution -AFI) xếp hạng 2 trong số 100 phim hay nhất của lịch sử điện ảnh, đó là minh chứng rõ nhất cho giá trị về nghệ thuật và lịch sử của phim Casablanca.
Bài viết có tiết lộ nội dung phim, bạn cân nhắc trước khi đọc.
Xem thêm:
- Phim It Happened One Night (1934) cổ tích của một Hollywood hoàng kim
- Chinatown (1974) tác phẩm thành công nhất của Polanski
Lấy bối cảnh cuộc Đệ nhị Thế chiến đang leo thang. Casablanca – thành phố lớn nhất của Morocco, nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Pháp Vichy thân Đức Quốc xã, dù vẫn trên danh nghĩa “vùng trung lập”. Người đương thời lại biến đến Casablanca như là cầu nối giữa ngục tù và tự do – dân chúng mọi nơi ở Âu châu đều tìm cách tới nơi đây, qua ngả Địa Trung Hải, cố gắng kiếm thị thực để từ đây đi sang Lisbon (Bồ Đào Nha) nơi lúc đó chưa bị phát xít Đức thôn tính – và nhắm tới đích đến cuối cùng, đích đến đầy hy vọng: Hoa Kỳ. Mọi người nơi đây, đủ mọi quốc tịch, dù giàu có hay nghèo khốn, đều vật vờ chờ đợi một ngày được diện kiến Nữ thần Tự Do, dù là bằng vận may hay một chút quyền thế thuở hoàng kim còn sót lại – đối với những kẻ quyền thế.
Và dân tị nạn chờ “số đỏ” ở Casablanca lúc bấy giờ, không ai là không biết và không từng đến quán bar “Rick’s Café Américan”. Quán bar này thu hút mọi thành phần, từ dân tị nạn cho tới các vị tai to mặt lớn trong chánh quyền Pháp Vichy cai trị nơi đó, và cả sĩ quan Đức Quốc xã. Chủ quán bar này – Rick Blaine (Humphrey Bogart) – là một quý ông lịch lãm, nhưng mang tính cách lạnh lùng, lãnh đạm đến vị kỷ. Anh không bao giờ giao lưu, trò chuyện gì với khách ghé tửu quán của anh. Nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài một con người vị kỷ, lạnh lùng đó, lại là một trái tim nồng nhiệt, cháy bỏng, từ tận sâu thẳm trong cõi lòng. Rick cũng từng có một thời oanh liệt, sống hết mình vì lý tưởng. Anh đã từng vận chuyển súng tới Ethiopia trong cuộc chiến giữa Ý và Ethiopia năm 1935, từng cầm súng, sát cánh chiến đấu chung với phe Cộng hòa trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Chỉ vì những u uất, thương nhớ và cả hận sầu của quá khứ, lẫn sự thay đổi của thời thế đã khiến con tim nồng cháy một thời đó tạm thời cằn khô, chỉ quan tâm tới cái lợi ích cho riêng mình. Mặc kệ thế cuộc, tình đời. Mặc kệ họng súng phát xít đang cố nuốt trọn cả thế giới. Nhưng rồi sự xuất hiện của một người phụ nữ cùng chồng cô vào một tối nọ tại quán bar đã mãi mãi thay đổi cuộc đời anh. Người phụ nữ, bước ra từ quá khứ…
Hôm đó, một ngày tháng Mười Hai năm 1941, cả thành phố Casablanca cũng xôn xao chuyện hai viên đưa thư người Đức bị giết, và giấy thông hành của họ cũng bị lấy đi. Ugarte – người đã giết hai viên đưa thư – và cũng là một tay “cò thị thực” đã tới quán bar của Rick, nhờ anh giấu giúp hắn 2 tờ giấy thông hành một lúc, cho tới khi hắn sắp xếp bán chúng cho “một đôi vợ chồng kia” tại điểm hẹn – Rick’s Café Américan. Đáng lẽ tay “cò” này đã kiếm được một mớ bạc, nếu như hắn không bị lính mã tà vồ ngay tại quán. Đã có một cuộc lộn xộn, Ugarte đã rút súng ra chống cự lệnh bắt. Chính sự vụ này đã là cơ duyên cho một chuỗi liên tiếp những diễn biến kịch tính nhưng không kém phần lãng mạn. Một cuộc tình tay ba đầy gay cấn giữa ông chủ một quán bar, một nhà cách mạng Tiệp Khắc và một giai nhân.
Nàng bước vào quán. Đôi mắt diễm huyền dõi theo người chồng đã mất hút vào trong đám đông. Người chồng đi tìm Ugarte để dàn xếp mua hai tấm giấy thông hành, nhưng dường như là đã quá trễ. Nàng chợt nhận ra anh chàng nghệ sĩ da đen tên Sam (Dooley Wilson) đang chơi dương cầm tại quán, vốn là nhân viên của một người đã từng rất quan trọng với cuộc đời nàng. Muốn ôn lại chút kỷ niệm cũ, nàng yêu cầu Sam đàn một bản nhạc đã in sâu trong tâm thức mình – “As Time Goes By”. Những âm điệu quen thuộc, khơi gợi từng chút những ký ức đang chầm chậm nhẹ đưa trong hồn nàng. Giật mình bởi âm điệu quen thuộc quá, Rick cũng bèn bước vô trong quán. Hai ánh mắt sững sờ chạm vào nhau, đánh dấu một cuộc trùng phùng kỳ ngộ, diễn ra trong bối cảnh tréo ngoe, chen trong những phím đàn du dương đang phát ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa. Trở lại nước Pháp những ngày tháng thuở còn yên bình, Ilsa Lund (Ingrid Bergman) chính là người từng một thuở mặn nồng đối với chủ quán Rick Blaine, là bóng hồng đã bước đi trong cuộc đời Rick, gieo bao hương thơm và trái ngọt cho cuộc đời ông vốn đã đầy những phong trần và quá khứ đầy bí ẩn. Ngày phát xít Đức tiến vào kinh đô Paris năm 1940, Rick đã đề nghị cùng Ilsa Lund vội vàng rời khỏi Paris, vì anh có tên trong danh sách đen của Đức Quốc xã, bởi những hành động chống phát xít của anh. Nàng giấu giọt lệ, nói rằng Rick hãy đi trước, nàng theo sau. Dường như Ilsa đang muốn che giấu điều gì đó. Sớm hôm Rick ra đi, mưa trời tầm tã. Tàu đã sắp rời đi, nhưng anh vẫn tựa cột điện, gắng chờ. Nhưng rồi nghệ sĩ dương cầm Sam đến, mang theo bức thư tay nàng viết trao Rick. Những dòng chữ nhòe đi trong làn mưa, bảo rằng anh hãy đi đi, đừng thắc mắc chi, và cô luôn yêu anh. Mưa tuôn rào rạt làm buốt thân xác, nhưng những dòng chữ đó đã thực sự đem giá buốt xâm chiếm trọn tim anh. Hai thầy trò lên tàu, giã biệt Paris đang nghẹt thở bởi gót giày phát xít, bỏ lại sau lưng cả những ân tình và kỷ niệm. Từ đó, Rick luôn ôm trong mình nỗi đau, một thắc mắc không thể lý giải nổi, và hờn sầu dành cho nàng nhân tình một thuở.
Giờ đây, nàng lại xuất hiện trong quán bar của anh, trước mặt anh. Đi cùng với nàng là Victor Laszlo (Paul Henreid) – một nhà cách mạng người Tiệp Khắc, người đã từng trải qua khổ hình trong trại tập trung của Đức Quốc xã, đã từng bị giết hụt 6 lần, và tự xưng là chồng của Ilsa. Cái tên Victor Laszlo vốn chẳng xa lạ gì đối với giới mật thám, sĩ quan phát xít Đức – một cái gai trong mắt chúng. Laszlo muốn cùng Ilsa kiếm thị thực tới Mỹ, để ở đó, ông có thể tiếp tục con đường đấu tranh, tổ chức kháng chiến chống Quốc xã tại Âu châu. Lúc này Laszlo không biết rằng Rick đang có trong tay hai tấm giấy thông hành. Về phần Rick, thử hỏi, làm sao mà bất cứ ai trải qua cảnh ngộ như anh ta có thể kìm được cơn sóng của sự giận hờn đang dâng lên trong lòng, dưới vẻ bề ngoài điềm tĩnh. Ngày rời Paris, cô để anh chờ đợi và rồi ra đi trong tiếc nuối và đớn đau. Giờ đây, nàng lại tay đan tay với người đàn ông khác, ở ngay tửu quán do anh làm chủ. Bao nhiêu hờn đắng tích tụ trong bấy lâu nay, cùng với một dấu hỏi lớn về sự ra đi không một lời tạ từ hay giải thích của Ilsa. Tất cả hiện lên trong ánh mắt Rick. Nó nhìn thẳng vào ánh mắt Ilsa, ánh mắt kiều diễm đầy nuối tiếc, tha thiết, tựa như muốn thanh minh một điều gì đó cất tận sâu cõi lòng.
Tối hôm sau, Laszlo, qua một số nguồn thông tin, biết rằng Rick vẫn giấu hai tấm giấy thông hành. Anh ta tới tìm Rick, thuyết phục Rick bán cho mình hai tấm giấy thông hành. Nhưng dĩ nhiên, với cái tôi hoang lạnh, Rick từ chối. Anh ta còn úp mở rằng Laszlo “nên hỏi vợ anh ta – Ilsa – về lý do mà Rick từ chối bán hai tấm giấy thông hành. Ngay tối đó, một sự cố đã diễn ra. Khi Laszlo từ văn phòng của Rick đi ra, anh ta đã chứng kiến cảnh một đám sĩ quan phát xít Đức đang thể hiện sự ngạo mạn, thượng đẳng của bọn chúng trong quán khi đồng thanh ca bài Die Wacht am Rhine – một bài hát mà đám Quốc xã rất tự hào. Để đáp trả Laszlo đã kêu giàn orchesta chơi bản Quốc ca Pháp – La Marseillaise, và bắt nhịp cho cả quán. Chẳng mấy chốc, khách trong quán cùng đồng thanh hát cùng Laszlo với tinh thần ái quốc, yêu tự do nồng nàn, át cả những lời ca ngạo nghễ của đám phát xít. Một hình ảnh biểu tượng mang đầy tính ẩn dụ. Nhưng, giới chức trách Quốc xã không vui lắm với điều này. Đại tá Strausser, đại diện cho đám Quốc xã ở Casablanca đã yêu cầu Renault – cảnh sát chính quyền thực dân Pháp Vichy ở đây đóng cửa Rick’s Café Américan.
Cũng tối đó, mọi sự bí ẩn và khúc mắc, hờn sầu của mối tình trong quá khứ đã được hóa giải. Đây cũng là phân đoạn mang tính bước ngoặt trong nội tâm và lý tưởng hành động của nhân vật Rick Blaine. Ilsa Lund đã tìm đến văn phòng Rick, ngay khi anh ta chẳng hề ngờ được. Nàng nài nỉ Rick, xin anh hãy bán hai tấm giấy thông hành cho vợ chồng cô. Nài nỉ hay thuyết phục, van lơn cũng không xong, bị dồn đến đường cùng, cô đành rút súng chĩa thẳng vào người mình từng dành một thuở mặn nồng, rằng hoặc hai tấm giấy thông hành kia hoặc là mạng sống của Rick sẽ nằm trong tay cô. Nhưng liệu cô có dám bóp cò? Khi ánh mắt trầm tĩnh nhưng vẫn còn chứa chan ân tình của Rick đang thách thức họng súng? Cô không thể làm thế. Thực sự không. Ilsa gục vào lòng bàn tay Rick với những giọt nước mắt tuôn trào nức nở. Bao nhiêu tâm tình dồn nén trong lòng nàng bấy lâu cũng được khơi ra hết trong đêm ấy. Những thắc mắc trăn trở đến u sầu của Rick cũng được giải đáp. Ra là ngày trước, Ilsa đã từng là vợ của Laszlo – lúc bấy giờ đã Laszlo đã tham gia những hoạt động chính trị. Rồi Laszlo bị phát xít Đức bắt. Chẳng bao lâu sau, rộ ra tin đồn rằng Laszlo đã chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Quá đau buồn, và cũng không thể để đơn côi nuốt trọn dần từng năm tháng thanh xuân của mình, Ilsa đã tìm đến với Rick, một tình cảm mặn nồng ở nước Pháp lãng mạn, thời còn thanh bình, như đã nói ở trên. Ngay hôm Rick quyết rời Paris khi phát xít Đức sắp tiến vô, cũng là ngày nàng sững sờ hay tin Laszlo còn sống, bị giấu trong một chiếc xe hơi ở ngoại ô Paris. Anh ta đang ốm và cần bàn tay Ilsa chăm sóc, với tư cách một người vợ. Và đó chính là lý do nàng đành để Rick ra đi một mình mà không một lời giải thích: làm sao có thể nói thẳng tất cả mọi thứ ra kia chứ. Nếu trong Rick có sự giằng xé giữa lý tưởng và sự vị kỷ, gây ra bởi niềm đau vì tình, thì ngay trong Ilsa cũng vậy, là sự tranh đấu giữa nhiệm vụ và tình ái . Nhiệm vụ chính trị, đó là tòng phục người chồng Laszlo trong cơ đồ cứu quốc, cứu nguy thế giới; còn ái tình là mối tình đã ăn sâu vào lòng nàng đối với Rick: nàng vẫn còn yêu Rick. Biết được điều này, Rick bèn thuyết phục Ilsa tin rằng anh và cô sẽ ở lại Casablanca, sắp xếp để cho Laszlo đi.
Một sự trù tính đã được Rick đưa ra. Rick đã dàn xếp với Đại úy Cảnh sát thực dân Pháp tại Casablanca – Louis Renault, nhằm đưa Laszlo vào tròng vì tội đánh cắp hai tấm giấy thông hành. Rick nói với ông Đại úy rằng anh ta và Ilsa sẽ cùng nhau sang Mỹ. Ngay đêm đó, Laszlo cũng đã tới tửu quán của Rick lúc quán đã đóng cửa. Anh ta nói rằng anh ta đã biết đến tình cảm của Rick và vợ mình ngay từ lần đầu tiên họ xuất hiện tại quán. Laszlo đề nghị rằng, vì cả hai đã cùng mang tình cảm với một người đàn bà, nên nếu Rick còn yêu, anh hãy dùng những tấm giấy thông hành đó để giúp Ilsa tới được nơi an toàn.
Đúng khi ấy, ông Đại úy Louis Renault – một tay cảnh sát thực dụng (và chẳng hề bao biện hay xấu hổ về tính thực dụng của mình) xuất hiện với ý định bắt Laszlo, như đã dàn xếp lúc sáng với Rick. Nhưng ngay đến cảnh này, khán giả hoàn cầu, mọi thời đại bắt đầu bất ngờ và vỡ òa. Tay cầm súng chĩa vào ông Đại úy, Rick yêu cầu ông thả Laszlo ra, và bắt Đại úy Renault đưa hai vợ chồng tới phi trường để đi Lisbon. Chính lúc đó, người ta đã được thấy một Rick Blaine sống thực với con người mình – một con người sống vì lý tưởng, rộng lượng – thay vì một kẻ vị kỷ, lụy tình, ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng nhưng lịch lãm. Hóa ra những trù tính, dàn xếp của Rick với ông Đại úy cũng chỉ là một cái cớ để đánh lạc hướng: hai tấm giấy thông hành cần chữ ký của ông Đại úy, lúc này đã nằm trong tầm khống chế của Rick.
Cuộc chia ly nơi phi trường là một cuộc chia ly ướt át, không biết là vì do màn sương đêm, hay do giọt lệ đương lăn dài trên má giai nhân Ilsa Lund. Rick đã thuyết phục nàng nên đi theo Laszlo, đi theo tòng phu, phục tòng cho chồng mình, cho cơ đồ tranh đấu và giải phóng của chồng; rằng nếu em ở lại với Rick thì sẽ nguy hiểm cho cả hai, vì những hành động mà Rick đã làm đêm nay. Anh biết nàng vẫn còn yêu anh, nhưng phải dứt khoát lựa chọn nhiệm vụ, đạo hạnh của một người vợ, thay vì ái tình. Tiễn đưa Ilsa, anh nói rằng anh sẽ luôn dõi theo nàng – đó đã trở thành một câu thoại bất hủ của lịch sử điện ảnh (Here’s looking at you kid).
Khi phi cơ vừa cất cánh, Rick đã bắn chết tên Đại tá phát xít Strausser, vì hắn đã định cản chiếc phi cơ, nhằm bắt sống Laszlo. Nhưng bất ngờ hơn nữa, đó là Đại úy Renault đã không tố cáo Rick, dù ông có mặt ngay ở phi trường và chứng kiến cảnh đó. Khi lính mã tà tới, Đại úy chỉ ra lệnh cho họ điều tra về cái chết của Đại tá Quốc xã Strausser. Hay cũng như Rick và Ilsa, như bao con người đang phân vân trong những tấn bi kịch của thế thời lúc bấy giờ, ông Đại úy Renault cũng trải qua cuộc giằng co giữa lợi ích khi làm một tay sĩ quan thực dân ăn lương, bợ đỡ cho quân phát xít – và trái tim nồng dành cho sự tự do, tinh thần ái quốc, với tư cách một người Pháp? Kết thúc cảnh phim, Đại úy Renault ngỏ lời cùng Rick tham gia lực lượng kháng chiến chống Quốc xã ở vùng kiểm soát bởi chánh quyền Pháp quốc Tự do ở Brazzville, Congo. Hai con người cùng một lý tưởng, cùng một sự giác ngộ, sải bước đi trong đêm thâu dưới màn sương mờ. Câu thoại cuối cùng của Rick: Louis, tôi nghĩ rằng đây là sự bắt đầu của một tình bạn đẹp” (Louis, I think this is the beginning of a beautiful friendship.) đánh dấu kết thúc cho một kiệt tác điện ảnh, cũng là một trong những câu thoại nổi tiếng nhất lịch sử nghệ thuật thứ bảy.
Xuyên suốt thước phim, chúng ta đã được chứng kiến một thế giới tối tăm và vô vọng , chìm trong biển lửa của cuộc Đệ nhị Thế chiến. Chúng ta còn được chứng kiến sự hoành hành của những thế lực hung bạo, và sự lãnh đạm, dửng dưng vị kỷ của những “người tốt”. Thế nhưng đâu đó, le lói trong tim họ, một sự lựa chọn giữa lý tưởng vì tự do, vì bác ái và công chính và vị kỷ, hận sầu cá nhân đã được đặt ra. Trong đống tro tàn, vẫn còn le lói một ánh sáng. Ánh sáng đó chỉ đợi chờ bùng lên, với những ngọn ánh sáng khác, kết thành một nguồn sáng vô song, bất diệt; ánh sáng của công chính. Ta đã được chứng kiến bao nhiêu những điều đó, chỉ ở một thành phố nhỏ nằm ven bờ Địa Trung Hải như Casablanca. Ta được chứng kiến những sự tranh đấu, đối đầu, không chỉ giữa những thế lực thiện và ác, tự do và xiềng xích – mà màn “đấu nhạc” giữa đám sĩ quan Đức Quốc xã và khách trong tửu quán Rick’s Café Américan do Laszlo dẫn đầu, là một phân cảnh biểu tượng cho điều đó. Mà ta còn được chứng kiến những giằng xé không kém phần gay cấn ngay trong nội tâm mỗi nhân vật. Rick Blaine với cuộc trốn chạy chính con người mình, trốn chạy quả tim nồng cháy những khát khao vì lý tưởng, vì tự do, đúng như xứ sở anh xuất thân: rất đậm chất “Mỹ”. Dành trọn tình cảm và yêu thương dành cho người yêu, vì bị ruồng bỏ không một lời giải thích, Rick thành ra u uất, hận người tình, chán chường tất cả. Tình ái đã làm héo mềm một con người đầy quả cảm một thời. Nhưng tiếc thay, sự có mặt của đôi vợ chồng Ilsa-Laszlo đã chứng minh rằng nỗ lực “chạy trốn bản thân” của Rick – theo lời Laszlo – là “hoàn toàn thất bại”. Một cái kết vỡ òa, đầy xúc động, và không kém phần truyền cảm hứng đã diễn ra, khi Rick đã liều mình làm tất cả cho sự ra đi an toàn của Ilsa và Laszlo. Cuối cùng, anh cùng ông Đại úy Louis Renault đã hoàn toàn đứng về lẽ phải – phe Đồng minh. Rick Blaine đã trở lại con người xưa của mình. Một sự tranh đấu khác diễn ra trong nội tâm của Ilsa Lund. Quả thực, nàng vẫn còn yêu Rick, yêu nhiều lắm. Ánh mắt, nét mặt của nàng đã thú nhận điều đó khi nàng nghe những âm điệu quen thuộc của bài “As Time Goes By”, khi nàng gặp lại Rick – người thương một thời – bằng xương bằng thịt. Ilsa cũng tin vào lời hứa của Rick, rằng sẽ ở lại cùng anh. Và chẳng phải phút giã biệt ở phi trường, chính nàng cũng đã bịn rịn đòi ở lại với anh đó sao? Sự giằng xé trong nội tâm Ilsa, là giữa tình cảm dành cho Rick và đạo nghĩa làm vợ đối với Laszlo, và tiền đồ chính trị nhằm đấu tranh chống phát xít, tranh đấu cho bao con người trong ách lầm than. Ngay phân đoạn cuối, khán giả chúng ta hẳn cũng đã biết được kết cục. Sự bộc phát của tình cảm, có chăng, chỉ là phút quyến luyến trước giờ ra đi mà thôi.
Một sự tranh đấu nội tâm nữa, mà tôi để ý, đó chính là ngay trong một nhân vật phụ mà có thể ít ai để ý – ông Đại úy mã tà thực dân Pháp Vichy Louis Renault. Là một viên sĩ quan ăn lương, cai quản một thành phố trên danh nghĩa là trung lập – nhưng thực chất là phải chịu sự chi phối của Đức Quốc xã (cũng chẳng khác gì chính thể Pháp Vichy ở mẫu quốc Pháp). Hay lui tới quán bar của Rick, xét về bề ngoài, ông ta là một con người thực dụng đúng nghĩa, và ông ta chẳng hề bao biện hay điểm xuyết những thứ lời lẽ hoa mỹ về sự thực dụng của mình – nói thẳng ra là không hề xấu hổ. Nhưng tận thâm tâm, hẳn cũng như Rick, như Ilsa, như bao nhiêu con người phải chịu sự chèn ép của họng súng và thế thời lúc bấy giờ, Renault cũng chẳng lấy làm vui gì khi phải sống kiếp khom lưng cúi đầu trước đám quan thầy phát xít Đức, khi sống an nhiên hưởng lạc, mưu cầu sự thăng tiến ngay trên sự thống khổ, lầm than của nhân loại. Bản thân tôi, nếu như không có đoạn kết ở cuối phim, chắc rồi cũng khinh ghét nhân vật này, kể như một kẻ bợ đỡ. Nhưng Đại úy Louis Renault đây không phải là một con người tầm thường. Ngay từ đầu phim, ông đã nói thẳng với Rick rằng, ông thấy rõ “cái nhiệt huyết, cái lý tưởng ‘ái nhân như kỷ’ ” ngay trong con người và những hành động của Rick. Phải tinh tế, phải đồng cảm như thế nào để có thể nhận ra được điều đó ở nơi người khác. Bộ phim đã “kết thúc”, nhưng lại là sự “khởi đầu” của tình bằng hữu giữa hai con người cùng chung lý tưởng, cùng gạt bỏ mọi thứ phù phiếm để tranh đấu cho đời, cho tự do và hòa bình: Rick – Renault.
Không chỉ thế, Casablanca còn là một phép ẩn dụ, mà cụ thể hơn là nhân vật Rick Blaine chính là ẩn dụ cho nước Mỹ lúc bấy giờ.
Tính từ lúc những phát súng đầu tiên nổ ra ở Đông Âu, Hoa Kỳ vẫn lựa chọn đứng ở ngoài, duy trì trạng thái trung lập, không nhòm ngó hay dính dáng gì tới tình hình chiến sự, vì “lợi ích” của Mỹ quốc. Nước Mỹ chỉ thực sự bước vào cuộc Thế chiến sau sự kiện Hải – Không quân phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Đó chính là lúc người dân Mỹ nhận ra rằng chuyện xảy ra ở cách tận nửa Địa Cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy và lợi ích của nước Mỹ, của mọi thế hệ người dân Mỹ về sau. Nhưng người Mỹ, không phải ai cũng nghĩ vậy. Nhiều người vẫn không đồng ý việc Mỹ góp bàn tay cùng phe Đồng minh để đánh phát xít. Cộng thêm sự kiện phát xít Đức tấn công Bắc Phi. Hãng phim Warner Bros đã gấp rút quay và cho ra mắt phim Casablanca ngay vào tháng Mười Hai năm 1942, nhằm mục đích tố cáo, vạch trần tội ác và sự hung tàn của bè lũ phát xít phe Trục, và cũng là để cổ vũ cho công cuộc chống phát xít của mọi quốc gia, lực lượng yêu chuộng hòa bình nói chung và động viên tinh thần dành cho anh em binh sĩ quân đội Hoa Kỳ ngoài các chiến trường nói riêng. Bộ phim còn là câu trả lời, là lời thuyết phục những con người hoài nghi lúc bấy giờ về tính chính danh, sự công chính và lẽ phải mà Hoa Kỳ đang hướng tới.
Người ta có thể thấy một “nước Mỹ” được nhân cách hóa ở nhân vật Rick Blaine, đứng giữa ngã ba đường và câu hỏi đạo đức được đặt ra: phải hi sinh những lợi ích, niềm riêng tây cá nhân mà chiến đấu cho lợi ích chung, cho nhân loại – hay là ngược lại – mặc kệ tất cả, chỉ bảo vệ lợi ích cho riêng mình. Tuy mục đích ban đầu chỉ là một bộ phim tuyên truyền, và đạo diễn bộ phim đó – ông Michael Curtiz – cũng chẳng hy vọng rằng đây sẽ là một kiệt tác điện ảnh để đời. Nhưng với sự tổng hòa, quyện lẫn đến tài tình giữa nghệ thuật và tuyên truyền, giữa triết lý nhân sinh và giải trí; cùng với sự bố trí, sắp đặt cảnh quay, các mảng màu sáng tối đã làm tôn lên những tính cách, xung đột nội tâm bên trong và giữa các nhân vật; cùng với sự trau chuốt, gọt dũa các lời thoại, đã để lại những câu thoại bất hủ đi vào lòng người – tất cả sự tổng hòa trên đã để lại cho hậu thế, để lại cho đời một tác phẩm bất hủ, với những giá trị nghệ thuật và triết lý sống mãi với thời gian. Ngay sau khi ra mắt, phim đã nhận được 3 giải Oscar trong lễ trao giải Oscar năm 1942. Cho đến nay, bộ phim cũng như motive, các nhân vật, và lời thoại trong phim vẫn còn sức ảnh hưởng đối với nền nghệ thuật-giải trí cho tới nay. Bộ phim vẫn còn sức cuốn hút với khán giả mọi thời đại, dù bất kể nơi đâu. Phân cảnh cuộc kỳ ngộ giữa Rick và Ilsa đã trở thành phân cảnh huyền thoại, kinh điển của Hollywood; và cả bài hát “As Time Goes By” mà được nghệ sĩ dương cầm Sam trình diễn – riêng chiếc dương cầm xuất hiện trong cảnh đó đã được bán đấu giá tại New York năm 2014 với giá 3,4 triệu USD.
Hiếm có tác phẩm nào có sức ảnh hưởng lớn được như phim Casablanca. Đó là một thiên tình sử đầy lãng mạn, nhưng cũng chứa trong đó những giá trị đạo đức thâm sâu. Giọt nước mắt của ân tình giữa cơn binh lửa, và sự chiến thắng của lý tưởng. Niềm yêu mến sự công bình đã chiến thắng cái tôi ích kỷ. Và thật không ngoa khi người ta đã nhận định rằng, qua bộ phim Casablanca, Hollywood đã thắng không những một mà hai cuộc chiến: nó đã giúp một tay quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống phát xít, và nó đã chiến thắng cuộc chiến chống lại sự lạnh lùng, vị lợi ích trong lòng mỗi con người. Cuộc chiến đánh động lương tâm.
TOAN
- Breakfast at Tiffany’s (1961) những điều tạo nên tác phẩm kinh điển
- Phim The Tree of Life tác phẩm điện ảnh giàu chất thơ