Điện ảnh Việt loay hoay câu chuyện chất lượng và doanh thu

Cách đây đúng mười năm, là khoảng thời gian đầu tiên tôi tiếp xúc với thế giới điện ảnh đầy màu sắc này. Những “Dòng Máu Anh Hùng”, những “Bẫy Rồng”, những “Gái Nhảy” và những “Áo Lụa Hà Đông” liên tiếp chiêu đãi khán giả với những câu chuyện đáng để được kể và đáng để được lan truyền, không chỉ bằng hình ảnh và âm Thanh, mà dùng những suy nghĩ, lối sống và cái nhìn mới mẻ của họ, những nhà làm phim trong giai đoạn giao thoa giữa hai thế kỷ. Một thời kỳ bạc của điện ảnh Việt Nam.

Điện ảnh Việt loay hoay câu chuyện chất lượng và doanh thu

Một thiên niên kỷ sau, những cái tên vẫn được nhắc đến, nhưng đặt ngay cạnh những cái tên ấy, lại là “Em Chưa 18”, “Em Là Bà Nội Của Anh”, “Siêu Sao Siêu Ngố” và “Để Mai Tính 2”, không một phép so sánh cần thiết, khi chỉ cần đặt những cái tên trên gần với nhau chúng ta có thể thấy được một sự khác biệt nếu không dùng từ “tương phản”.

Để nói về một giai đoạn thời gian của nền điện ảnh Việt, đặc biệt là những năm trở lại đây, tôi không thể nào mà không nhắc đến bộ tứ quyền lực trên, gồm “Em Chưa 18”, “Em Là Bà Nội Của Anh”, “Siêu Sao Siêu Ngố” và “Để Mai Tính 2”, bởi vì khi bạn bỏ một chút thời gian tìm hiểu xem 4 bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam (Tính đến hết năm 2018) thì đó chính là những cái tên mà bạn sẽ thấy được. Và để giải thích tại sao doanh thu lại là sự phản ánh chân thật nhất để nói về tình hình thực trạng của điện ảnh Việt Nam thì tôi trước hết sẽ đưa ra những điểm tương đồng của bốn bộ phim trên, không phải để chung quy, “vơ đũa cả nắm”, mà đơn giản hơn, để mọi người cùng có thêm một góc nhìn nữa, góc nhìn từ những nhà làm phim trẻ như tôi đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiện thực “phép màu” của điện ảnh Việt.

Thứ nhất là thời điểm: những cái tên ấy ra ra đời cùng một thời điểm.

Lần lượt khởi chiếu từ năm 2015 đến nay, mỗi năm lại có một thành viên mới trong gia đình trăm tỷ, điều đó nói lên một sức ảnh hưởng mới đến với những nhà làm phim khác, sức ảnh hưởng từ hai chữ “DOANH THU”. Họ luôn luôn trong một tâm thế cạnh tranh khốc liệt, với yếu tố thời gian là vàng. Nếu xét thời điểm 10 năm trước, khi người ta vẫn dùng từ “rạp chiếu bóng” để nói về hoạt động chiếu phim của các rạp, khi việc đi xem phim ở rạp chiếu bóng vẫn còn là một thú vui xa xỉ. Và rồi, Tân Sơn Nhất, Đống Đa, Tự Do, Tháng Tám dần khuất phục trước sự bùng nổ của một khái niệm sính ngoại. “Chuỗi Rạp Phim”, với bước chân đầu Tiên của Megastar và dần theo sao là Galaxy, Lotte, và BHD. Tính đến hiện giờ, con số cụm rạp lên tới hàng trăm và con số phòng chiếu lên tới hàng ngàn, thậm chí chuỗi rạp phim CGV còn chiếm tới 40% số rạp chiếu trên cả nước thì đây hẳn là một tín hiệu, hay một tiếng súng Phát lệnh những nhà sản xuất phải đua nhau để giành lấy khán giả.

Điện ảnh Việt loay hoay câu chuyện chất lượng và doanh thu

Số rạp chiếu tăng thuận với số phim Việt Nam ra rạp, chỉ riêng năm 2017 Việt Nam cho ra rạp số phim còn nhiều hơn tổng số phim Việt từ năm 2005 đến năm 2010. Nhưng, bấy nhiêu phim ra mắt trong cùng một năm thì chỉ cú hit “Em Chưa 18” là làm nên chuyện, thậm chí đánh bại cả những bom tấn phim nước ngoài ra mắt trong cùng một tuần lễ 30/4 – 1/5 năm ngoái. Sau những kỳ tích đó, chúng ta nhìn số phim Việt còn lại, và nhận thấy rằng những bộ phim ra mắt cùng năm đó, “Dạ Cổ Hoài Lang”, “Lô Tô”, “Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa”, dần dần mất tích, chìm trong số tiền mà “Em Chưa 18” kiếm được. Đây chính là yếu tố thời gian, thời điểm mà tôi muốn làm rõ, khi hầu hết những nhà làm phim lại chạy đua theo doanh thu thì có mấy ai quay lại và nói rằng “Chúng ta cần một bộ phim chính kịch kể về phận những người gánh lô tô và cuộc sống khó khăn của họ để nói lên một thông điệp nhẹ nhàng nhưng sâu lắng”.

Poster phim Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa

Phải đấy, có mấy ai quay lại và nhìn về những người đồng nghiệp của mình trong đoàn phim và hỏi “Chúng ta đang làm cái quái gì vậy?”. Rồi khi thời gian trôi qua, thời kỳ vàng rồi thời kỳ bạc, chúng ta có thể sẽ mãi không nhận ra rằng hai chữ “Doanh Thu” đang là người cầm tay lái chứ không phải chúng ta. Đây, thời điểm hiện tại, thật sự rất khó để một nhà sản xuất có thể bật đèn xanh cho một dự án phim độc lập chính kịch hàn Lâm, khi tối họ vẫn ngủ trên cái gối nhồi bằng tiền. Chính vì thế bạn sẽ không thấy nhiều những bộ phim “tốt gỗ” nữa, thay vào đó là những bộ phim “tốt nước sơn” với mục đích duy nhất đó chính là… Khoan, khoan hãy nói thêm về tiền, mà hãy nói về yếu tố tác động lên nền điện ảnh Việt Nam hiện giờ.

Thứ hai, khán giả: những người đã vô tình thay đổi cách mà những nhà làm phim Việt Nam kể một câu chuyện trên màn ảnh

Khi nói về doanh thu phim lẽ ra tôi phải đề cập đến những người đã “góp phần” tạo nên doanh thu trước, nhưng sẽ không hay nếu như tôi đưa ra một nguyên nhân chủ quan mà không nói nguyên nhân khách quan trước, khi nguyên nhân khách quan đó chính là yếu tố “Thời Điểm” mà tôi đã phân tích ở trên. Và tại sao đó là nguyên nhân khách quan thì theo quan điểm cá nhân, khán giả Việt Nam luôn luôn có sẵn, cầu có trước cả cung, để đến khi số rạp mọc lên như nấm sau mưa thì tất nhiên, doanh thu sẽ ngày một tăng. Vì lẽ đó không thể nào gọi là chủ quan được, bởi nếu vậy Việt Nam sẽ không được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng doanh thu cao trên thế giới.

Trở lại với “Khán Giả Việt Nam”, những con ngỗng đẻ trứng vàng của nhà sản xuất. Sau sự bùng nổ của những cụm rạp chiếu phim, khán giả Việt Nam bỗng chốc rời khỏi đáy giếng để tiếp cận với nhiều nền điện ảnh khác, nổi bật là Mỹ và Hoa Ngữ. Chính vì lẽ đó, khán giả Việt Nam dần dần thay đổi khẩu vị, từ những tháng năm thưởng thức gạo trắng Việt Nam, sang những món ăn dân dã từ những quốc gia khác, đến khi khán giả Việt dần dần bị bão hoà, xem nhiều phim ở mức 7 hơn mức 9 theo thang điểm 10 thì lúc bấy giờ những nhà sản xuất đã may mắn nắm bắt được tâm lí này mà lần lượt cho ra đời những bộ phim “lưng lửng”, không tệ nhưng chưa thể gọi là xuất sắc.

Tính từ năm 2010 đến nay, khán giả Việt Nam đã trải qua nhiều chuyển biến thị trường đầy bất ngờ. Kể ra thì chuyển biến tâm lý của nhân vật “Khán Giả” này cũng khá là thú vị và “khá” tích cực, khi chuyển thị hiếu từ phim “Hài Nhảm” Sang thành chỉ là phim “Hài” thôi. Nhưng, không có chữ “Nhảm” không có Nghĩa chúng ta có thể thêm từ “Hay” sau chữ “Hài” kia được. Khán giả vô tình quên đi tầm quan trọng của mình trong mắt những nhà sản xuất phim, vô tình để họ dắt mũi trong quyết định hôm nay bạn chọn xem phim gì.

Poster phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh

Hãy nhìn vào bộ tứ trăm tỷ kia, chúng đều chung một đặc điểm lớn nhất, đó là cả 4 phim, đều là phim HÀI. Điều đó cũng khá là ngộ nghĩnh nếu ta xét rộng ra bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới lại là một phim khoa học viễn tưởng, và theo sau đó là một phim tình cảm. Nó thậm chí còn ảnh hưởng lên những thể loại phim khác của Việt Nam khi chính chúng ta đã đưa những từ như “Hành Động/Hài”, “Kinh Dị/Hài” trở nên quen thuộc. Nhưng đó có phải hoàn toàn là lỗi của nhà sản xuất, khi chúng ta cười mỗi khi có một nhân vật thả rắm trên màn hình, khi chúng ta chọn phim vì trên poster có hình diễn viên hài mình yêu thích thay vì phim nói về một cô gái phát hiện mình sắp làm mẹ trong tình cảnh khó khăn chật vật.

Phải đấy chính chúng ta, những khán giả Việt Nam đã làm nên một giai thoại mà điện ảnh Việt Nam phải ghi vào sổ sách với tên gọi “Thời Kỳ Hài”. Nhưng, tôi không nói rằng “Hài” là xấu, tôi nói nó “không tốt” bởi vì chúng ta cần nhiều hơn là một nhân vật chửi chợ búa để làm chúng ta cười. Nếu xét về mặt sinh học thì khán giả vẫn là một con người, và con người vẫn có thể khóc, vẫn có thể bị bất ngờ, vẫn buồn và đau khi thấy người khác buồn và đau. Đó là một trong những lý do cơ bản nhất để chúng ta kể một câu chuyện, và hơn nữa, làm một bộ phim.

Một bộ phim cần có chiều sâu, cần có một thông điệp, một bài học để khán giả có thể trải nghiệm bằng hình ảnh và âm Thanh thay vì qua cuộc sống. Khán giả Việt Nam hiện nay thật ra vẫn đang cố gắng chuyển mình, tuy vẫn còn khó khăn trong việc định hình lại thị trường phim việt khi chỉ một cái tên “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” là nổi bật, chúng ta sẽ sớm thấy được những bộ phim hay, những câu chuyện đẹp trong thời gian sắp tới nếu như yếu tố mà tôi sắp nói tới không cản trở.

Thứ ba là những nhà làm phim: cũng là yếu tố quan trọng nhất

Những nhà làm phim Việt Nam, những đạo diễn Việt Nam, những biên kịch Việt Nam, những diễn viên Việt Nam và những nhà sản xuất Việt Nam đang trực tiếp biến cái nền điện ảnh Việt thành bất cứ thứ gì mà họ muốn biến nó thành.

Một cảnh trong phim Cánh Đồng Bất Tận

Để rồi đó là lý do tại sao có những cái tên “kia” lại đứng chung một hàng với “Mùa Len Trâu” hay “Cánh Đồng Bất Tận”, lý do tại sao ta ra rạp và phải chọn giữa một phim “Hài” và một phim “Tình Cảm/Hài”, lý do tại sao bạn sẽ dễ dàng được mời đóng phim chiếu rạp nếu như bạn đã tham gia một gameshow truyền hình trước đó. Những nhà làm phim, khi được đặt câu hỏi tại sao một bô phim dở, thì lại quay ra và nói rằng “Chính khán giả đã yêu cầu xem một bộ phim dở” mà không tự hỏi chính bản thân mình rằng “Liệu mình đã cố gắng làm nó hay hay chưa?”.

Xem thêm: 

Nhưng tôi lại đang nói khá là chủ quan, khi những đạo diễn hay biên kịch đang ngày càng bị chi phối theo nhiều hướng hơn là một tầm nhìn cho bộ phim của mình. Họ mắc kẹt, trong chính cái thời điểm này và trong chính khán gỉa của mình, nhưng, đã mắc kẹt họ lại làm càn, đưa ra những sản phẩm không thể nào dùng từ để gọi hơn một chữ “phim” chứ nói chi là điện ảnh. Họ không dám đấu tranh cho những ký tưởng, những suy nghĩ và những cái tôi của họ, cái họ đang làm, là chiều lòng hết tất cả, làm dâu trăm họ, và quên đi chữ “cá nhân” nên có trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào.

Doanh thu, danh tiếng, địa vị, đã đưa ra một kịch bản chung cho các bộ phim Việt hiện giờ, không một sự phá cách, không một cái mới, không một yếu tố bất ngờ nào mà những bộ phim này cứ kéo nhau ra rạp. Và đừng để tôi động đến chuyện những bộ phim remake (làm lại từ kịch bản ăn khách của nước ngoài), hay những bộ phim trông có vẻ “ngoại” như “Em Chưa 18” hay gần đây nhất, “Ông Ngoại Tuổi 30”. Tại vì đó không phải là một nguyên nhân, mà đó là hậu quả của sự thiếu sáng tạo, thiếu đầu tư về mặt nội dung và nghệ thuật. Thậm chí nếu chịu khó đọc những bài khen bằng mặt của những bộ phim nửa vời này trên báo, chúng ta sẽ thấy được một cụm từ quen thuộc dùng để khen những bộ phim này, đó là “CHỈN CHU”. Xin lỗi chứ, nếu nó không chỉn chu, thì có đáng được gọi là một “Phim Truyện” không, nếu không vậy tại sao lại dùng nó như một lời khen nổi bật để cứu lấy sự thật rằng đó là một bộ phim tệ vậy. Từ khi nào “chỉn chu”, “quay đẹp”, “diễn viên đẹp” trở thành yếu tố để đánh giá một bộ phim có thể tranh giải Cánh Diều Vàng?

Phim Em Là Bà Nội Của Anh

Đâu rồi những “Kịch bản hay”, những chiều sâu, những bài học và hình ảnh chúng ta có thể thấy chính bản thân mình qua màn ảnh, đâu rồi thời kỳ vàng và bạc? Tôi không muốn nói cụ thể đến một nhà làm phim nào, bởi lẽ họ không thể làm nên một bộ phim khi chỉ có một mình họ, bức tranh đã đủ rộng, chúng ta thấy rằng họ chỉ là những con rối, bị giật dây bởi những người lấy cái danh làm nghệ thuật ra để làm tiền, dùng những câu chuyện thiếu thuyết phục để cầu xin khán gỉa bỏ tiền ra xem. Đây mới chính là kẻ thù của nền điện ảnh Việt Nam, nhưng rồi, kẻ thù này không thể sống mãi được.

Để nói về tình hình thực trạng của nền điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, tôi đã nói rằng hai chữ “Doanh Thu” là thứ quyết định tất cả và qua ba dẫn chứng, yếu tố cấu thành lên doanh thu, chúng ta cũng đã hiểu, hay nói cách khác, đã nhìn thấy một nền điện ảnh Việt Nam đang trượt dốc qua con mắt của tôi, đại diện của thế hệ nhà làm phim trẻ, người mà trong tương lai sẽ góp phần điều khiển nền điện ảnh Việt. Và qua con mắt của tôi, có thể tôi đã quá bi quan, mà quên đi những cái tên vẫn lặng lẽ như “Đập Cánh Giữa Không Trung”, “Dạ Cổ Hoài Lang”, “Thiên Mệnh Anh Hùng”. Đó là lý do tại sao tôi nói “Kẻ thù ấy không thể sống mãi được”. Bởi vì bên cạnh những bộ phim nửa vời kia, chúng ta vẫn thấy được những hành động nhỏ nhoi của sự cố gắng thay đổi nền điện ảnh Việt từ những nhà làm phim trẻ.

Chúng ta bỗng thấy được những cái tên mới, những gương mặt mới, những góc nhìn mới mẻ hơn, và để từ đó chúng ta nhận ra rằng, khán giả đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn, và nhiệm vụ của những nhà làm phim đó chính là duy trì sự đa dạng sự đa dạng ấy. “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” thu về xấp xỉ 80 tỷ đồng là một minh chứng cho thấy rằng, khán giả vẫn muốn xem những bộ phim nghệ thuật, vẫn muốn xem một bộ phim có một câu chuyện để cảm và hiểu và từ đó thấy chính bản than ta trong từng nhân vật, trái lại với nhận định của nhiều nhà làm phim rằng khán giả chỉ muốn xem phim hài, chỉ muốn xem phim giải trí. Đầu năm nay, ngoài “Siêu Sao Siêu Ngố” làm đại diện cho một mô típ đã quá cũ, thì mặt tươi sáng hơn chúng ta có được “Tháng Năm Rực Rỡ”, tuy là phim làm lại từ kịch bản nước ngoài, nhưng những người làm nên bộ phim đó đã cố gắng hết sức để chứng tỏ một cái tôi nghệ thuật, thứ mà nền điện ảnh Việt Nam cần nhất bây giờ.

Ekip phim Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè
Ekip phim Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè

Nền điện ảnh Việt đang giãy đòi một sự thay đổi, đang muốn vượt qua những cái bóng vang dội một thời nhưng cũng muốn rủ bỏ những cái mác “Hài”, “Phim chỉn chu” vốn đang gần như thống trị trường phim Việt vài năm qua, và chính chúng ta, những nhà làm phim trẻ, sẽ làm người quyết định cho sự thay đổi đó. Đặc biệt là khi một nhà làm phim 9X đã đạo diễn phim “Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa”, tôi thấy rằng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần, và đó tất nhiên là một dấu hiệu rất tích cực cho nền điện ảnh Việt Nam. Những minh chứng vàng đó đã cho chúng ta thêm động, tiếp thêm tinh thần để chúng ta có thể dũng cảm đứng lên và kể bất cứ câu chuyện nào đáng được kể và đáng được lan truyền, dúng cảm để sáng tạo và dũng cảm để đặt cái tôi vào trong mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Tuy vậy, bên cạnh những nhà làm phim trẻ nhiệt huyết dám nghĩ dám làm thì vẫn còn một bộ phận các “bạn trẻ làm phim”. Những người trẻ này lại vô tình nhìn thế giới điện ảnh bằng một con mắt thiếu chiều sâu và một cái tâm đặt sai chỗ, khi họ nghĩ rằng làm phim chỉ đơn giản là “làm phim”. Họ vội chi tiền vào máy quay thiết bị, chú trọng về hình thức để rồi làm nội dung một cách hời hợt. Thậm chí vẫn còn một số bạn trẻ nghĩ rằng mình quay những đoạn clip du lịch, đám cưới, sự kiện, quay quảng cáo rồi gọi đó là “làm phim” thì tôi cũng vô tình thấy được một mặt trái của nghệ thuật, một mặt trái của điện ảnh. Như tôi vẫn luôn tin rằng, “Phim, đơn giản là một câu chuyện được kể bằng âm Thanh và hình ảnh”, thì những bạn trẻ đó thiếu cho mình một cái gọi là “câu chuyện”, và điều đó khó lòng nào mà tôi gọi đó là “những nhà làm phim trẻ” được. Để những nhà làm phim trẻ có thể thay đổi được nền điện ảnh Việt Nam, thì những bước cơ bản đầu tiên, là những bạn trẻ kia hãy thay đổi, hãy nhìn một thế giới điện ảnh đầy màu sắc này bằng một con mắt cá nhân nghệ thuật và đặt cái tôi của mình vào từng câu chuyện mình muốn kể, từ đó, một nền móng hình thành nên cho một sự thay đổi lớn.

Điện ảnh Việt loay hoay câu chuyện chất lượng và doanh thu

Xem thêm: 

Sự đi xuống của nền điện ảnh Việt, trớ trêu thay lại là sự đi lên của doanh thu, cho chúng ta thấy một chiến trường khô cằn và thiếu sức sống, thiếu đi sự sáng tạo và cái tôi của những người làm nghệ thuật. Tuy vậy giữa chiến trường doanh thu kia, vẫn còn những “hoa vàng” đang cố gắng chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn. Tôi không nói rằng đây là một thời kì khủng hoảng của nền điện ảnh Việt Nam, nhưng tôi có thể trích dẫn rằng “Thay đổi là tất yếu”. Bất cứ giai thoại nào, bất cứ nền văn hoá nghệ thuật nào, chúng ta luôn đòi hỏi một sự thay đổi, một cái mới và một góc nhìn mới riêng biết của từng thời kì.

Việt Nam đã thấy quá nhiều những “Tèo Em”, những “Hello Cô Ba” và những “Bóng Ma Học Đường” rồi, và đó là lẽ phải làm, là quyền lợi của cả khán giả và những nhà làm phim đòi hỏi một sự chuyển mình, một sự lột xác, một sự THAY ĐỔI. Tôi, là một trong số những nhà làm phim trẻ, nền móng của tương lai điện ảnh Việt Nam, dù biết là sẽ rất khó và gian nan để thực hiện được lời hứa với nghệ thuật rằng “Tôi sẽ thay đổi”, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng, can đảm và tự tin kể cho thế giới điện ảnh những câu chuyện mà tôi luôn muốn kể. Nhưng dẫu vậy, một cá nhân tôi không thể nào một mình chuyển hướng nền điện ảnh Việt Nam được, mà điều đó còn phụ thuộc vào, tất cả chúng ta, những đạo diễn trẻ, những biên kịch trẻ, những quay phim trẻ, diễn viên trẻ, nhà sản xuất trẻ và thậm chí là những khán giả trẻ, chúng ta hãy cùng nhau, tạo một trang mới cho điện ảnh Việt, hãy đòi lại sự mới mẻ, hãy sáng tạo, và hãy cam đảm vì sự thay đổi lớn, vì 10 năm nữa của nền điện ảnh Việt Nam.

Dap – từ Phim tui thích, hoặc không

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here