Nguyên tác truyện tranh Watchmen là một tác phẩm có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ fan DC, việc này đồng nghĩa với chuyện áp lực sẽ rất nặng lên đôi vai đạo diễn Zack Snyder khi quyết đinh đứng ra đưa “Watchmen” lên phim. Nhưng với bàn tay phù thủy của mình, Zack đã đưa phim Watchmen lên một tầm cao mới vượt xa mong đợi của khán giả.
Có một vài điều bạn nên biết trước khi coi Watchmen vì đây là bộ truyện/phim không như những truyện/phim siêu anh hùng khác. “Watchmen” chứa nhiều ẩn dụ, nhiều tầng lớp, nhiều tuyến nhân vật, nhiều liên tưởng, nhiều hồi ức. Watchmen ra đời thay đổi rất lớn cái nhìn của người xem dành cho truyện comic. Hầu hết truyện comic thời đó và cả nhiều truyện bây giờ, phân định rất rõ rệt các tuyến nhân vật thiện ác, áp đặt quan điểm về nhân vật, quan điểm về các mặt đối lập lên người xem, buộc người xem đi theo đúng tuyến suy nghĩ mà tác giả muốn người xem đi theo. Điều này giống như trong một cánh rừng rậm rạp mà chỉ có một con đường, 99% sẽ đi theo con đường mòn đó.
Xem thêm:
Đi ngược với xu hướng đó, Alan Moore, tác giả truyện Watchmen, không áp đặt cho người xem, ông đặt nhận định về nhân vật của truyện trong bàn tay người đọc truyện. Khán giả có thể chọn không đi con đường độc đạo có sẵn, họ có thể phải băng rừng, có thể phải lội suối nhưng họ sẽ được chiêm ngưỡng những kì quan mà những người theo lối mòn không bao giờ cảm nhận được.
Trong phim Watchmen, không có ai hoàn toàn tốt cũng như hoàn toàn xấu bởi Alan Moore muốn chứng minh một điều rằng: không ai nghiêng hoàn toàn về một thái cực. Vật có thể đổi, sao có thể dời, trong người tốt lúc nào cũng tồn tại một mảng xấu. Và trong những kẻ xấu xa không hoàn toàn đen xì những tội lỗi mà vẫn còn đó những đốm sáng của lòng trắc ẩn. Sẽ có những lúc, lòng trắc ẩn đó mở rộng hướng những người lầm lỗi đi theo con đường chân chính.
Trước khi xem Watchmen, mình luôn tự hỏi Zack sẽ làm cách nào để truyền tải tất cả những ý tưởng đó của Alan Moore? Bởi bản truyện tương đối khó hiểu và mình phải đọc tới lần thứ 3 mới hiểu hết được. Truyện Watchmen đòi hỏi người đọc phải có một nhận định và quan điểm đạt tới mức độ nào đó để có thể lĩnh hội được hết những gì mà tác giả muốn nói. Truyện nhắm đến một số đối tượng nhất định nào đó mà thôi. Ngược lại, phim “Watchmen” cần nhắm đến số đông khán giả. Truyện có thể người ta không đọc nhưng phim thì nhất định người ta sẽ nô nức đi xem.
Giống như nguyên tác, phim Watchmen mở màn với cái chết của The Comedian. Anh là một thành viên của Watchmen, dù đã 65 tuổi nhưng vẫn có sức khoẻ phi thường cùng hình thể tráng kiện, nhưng bị ám sát dưới tay của một kẻ còn mạnh hơn nhiều lần. The Comedian bị ném ra ngoài cửa sổ căn hộ cao tầng, rơi xuống vỉa hè, văng ra chiếc badge có hình smiley – biểu tượng của nụ cười. Trên đó có một vệt máu nhỏ xuống. Đơn giản nhưng ấn tượng, chiếc badge có vệt máu này đi suốt chiều dài của truyện, chứa đầy ẩn dụ thâm sâu.
Zack Snyder đã làm mình ngạc nhiên khi khéo léo xây dựng một đoạn flashback ngay khúc credit đầu phim để tóm tắt ngắn gọn về lịch sử của Watchmen. Ở đó, nhóm này gồm một số thành viên trước đó hoạt động trong nhóm gồm các costumed vigilante The Minute Men (tạm dịch: những người hùng dấu mặt). Thiếu đoạn này, có thể người xem sẽ khá khó khăn để bắt kịp nội dung phim. Với chỉ vỏn vẹn 3 tiếng, rất khó để nói hết những thứ có trong truyện. Đây là đoạn, theo mình, là rất thú vị, nói về thời huy hoàng cũng như sụp đổ của các anh hùng giấu mặt.
- Xem thêm: Giải thích phim Arrival
Trong đoạn hồi tưởng này, bạn sẽ thấy rất nhiều người nổi tiếng thời đó giao lưu với các anh hùng như: John Lennon và Yoko Ono, David Bowie, Andy Warhol, Jackie Kennedy, Truman Capote… Đoạn montage này còn gán ghép các chi tiết của phim Watchmen vào những sự kiện lịch sử nổi tiếng. Cụ thể như đoạn phim quay những bước chân đầu tiên của Neil Armstrong trên mặt trăng thực chất là do Dr Manhattan cầm máy quay; hay đọạn The Silhouette của nhóm Minute Men, vốn là một lesbian, vào ngày Mỹ chiến thắng Nhật chấm dứt chiến tranh thế giới lần 2, đã đè ngửa ngừơi tình của mình ra hôn, bắt chước y hệt nụ hôn nổi tiếng mang tên V-J Day Kiss vào năm 1945; hay The Comedian chính là người bắn chết tổng thống JFKennedy năm 1963 tại Dallas… Trên nền ca khúc The Times They Are Changing của Bob Dylan, đoạn montage này khiến tổng thể những cảnh hồi tưởng trở nên chân thực và hay hơn bội phần.
Watchmen không phải là mô tip phim siêu anh hùng bảo vệ chính nghĩa, chống lại các ác thương thấy trong những phim của Batman hay Superman. Sẽ không có những trận chiến nảy lửa giữa siêu anh hùng và đại ác nhân thay vào đó, phim đào sâu vàp cuộc sống riêng tư của những anh hùng thời chiến đã về hưu. Đó là thời điểm chiến tranh đã chấm dứt, xã hội đã không cần đến anh hùng ra tay nghĩa hiệp.
Một điểm đặc trưng nữa trong Watchmen đó chính là tính chân thực, mọi thứ gắn liền với hiện thực một cách gần gũi nhất, không có những siêu chiến binh, siêu năng lực phi thường, chỉ có những anh hùng “bình dân”. Ngoài Dr Manhattan sau một sự cố tai nạn ngoài ý muốn đã có được sức mạnh của đấng tối cao, thì số anh hùng còn lại hoàn toàn là ngưòi bình thường với sức khoẻ, sự dẻo dai và nhanh nhẹn nhờ vào sự luyện tập và những thiết bị hỗ trợ.
Bối cảnh Watchmen tuy có hư cấu nhưng phần lớn vẫn dựa trên các cột mốc lịch sử. Sự kiện trong phim Watchmen diễn ra vào năm 85 trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc của thế giới là Mỹ và Nga. Lúc này Richard Nixon vẫn còn là tổng thống Mỹ và được bầu cử đến 3 nhiệm kỳ mặc dù ngoài đời ông này chỉ làm đến đầu nhiệm kỳ thứ hai đã phải từ chức sau vụ Watergate. Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga trong lúc này rất có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân, đe dọa đến sự diệt vong của loài người. Phòng thí nghiệm hạt nhân tại đại học Chicago đã dựng lên một cái đồng hồ biểu tượng, gọi là Doomsday Clock, set giờ là 12 giờ đêm kém 7 phút. 12 giờ đêm tượng trưng cho sự diệt vong của loài người, còn số phút tượng trưng cho mức độ hiểm hoạ có khả năng dẫn đến diệt vong, tuỳ mức độ gần diệt vong như thế nào mà các nhà khoa học sẽ ước lượng số phút như thế đó. Biểu tượng smiley của The Comedian với vệt máu khô xẹt ngang, nếu nhìn vệt máu theo hình dáng của kim phút trên đồng hồ, sẽ thấy vệt máu đó chỉ đúng vào lúc 12g đêm kém 7 phút. Đó là lý do tại sao biểu tượng smiley này đi suốt chiều dài truyện và đã trở thành một biểu tượng không thể lần lẫn vào đâu được của Watchmen.
Thực tế, Doomsday Clock không phải là hư cấu. Năm 1947, Doomsday Clock thật sự được dựng lên tại phòng thí nghiệm hạt nhân của ĐH Chicago, chỉ đúng 7 phút trước 12g đêm. Tuy nhiên, từ năm 1947 đến nay, tuy hiểm họa chiến tranh hạt nhân không còn đe doạ quá lớn như thời chiến tranh lạnh nhưng hiểm hoạ môi trường, thiên tai hạn hán, bệnh dịch… xảy ra liên tục… Nên vào năm 2007, kim phút của Doomsday Clock này đã bị dời đến con số 5, tức là 5 phút trước giờ diệt vong của loài người. Điểm diệt vong của nhân loại bây giờ còn gần kề hơn thời chiến tranh lạnh.
Cái chết của The Comedian không làm ai bận tâm, trừ Rorschach, một thành viên của Watchmen. Trong khi tất cả vigilante đều bị cấm hoạt động, trừ Dr Manhattan và Silk Spectre hoạt động cho chính phủ, Rorschach trừ gian diệt ác bằng con đường riêng của mình. Rorschach, một gã đàn ông xấu xí bạo lực với tuổi thơ bất hạnh trong chính gia đình mình, bị bạn bè sỉ nhục, bị chính mẹ ruột ngược đãi. Rorschach chỉ tìm thấy tự tin sau chiếc mặt nạ của mình vì khuôn mặt thật sau những chịu đựng tuổi thơ, đã trở thành một khuôn mặt tầm thường, dường như là kẻ duy nhất nhìn thấu tận đáy của xã hội dơ bẩn. Rorschach tin rằng có kẻ đứng đằng sau vụ ám sát The Comedian đang nhắm vào các anh hùng.
Nhưng thế giới đang trên đà diệt vong. Cái chết của The Comedian có gây được chú ý của ai, có cảnh báo được ai? Rorschach, Nite Owl, Silk Spectre, Ozymandias là những anh hùng nhưng xét cho cùng họ đều là những người bình thường trong sắc diện bình thường. Họ có thể đấm gãy mũi, bẻ gãy tay, đá gãy chân một ai đó nhưng họ không thể làm gì để cản được hiểm họa diệt vong. Người duy nhất có thể ngăn được hiểm hoạ này là Dr Manhattan nhưng người đàn ông này đã không còn vương vấn gì với loài người khi loài người quay lưng lại với ông. Vậy họ phải làm gì để cứu thế giới? Và nếu có được cơ hội để ngăn cản được thảm họa này họ sẽ phải hi sinh điều gì? Và khi họ ngăn cản được diệt vong, loài người có chấp nhận họ như những người tốt hay loài người sẽ phán đoán họ như những kẻ tội đồ?
Zack Snyder tiếp tục sử dụng kỹ thuật “foreshortening” của comics như anh đã từng làm với phim 300, tức là sử dụng hình ảnh với không gian sâu có foreground, midground và background khiến cho vật gần với mắt nhìn trở nên to và mạnh hơn hẳn so với vật ở xa mắt nhìn, tạo cảm giác quyết liệt. Các cảnh đánh đấm tuy không quá nhiều nhưng nhanh, đẹp và dứt khoát, các pha quay chậm bố trí phân bổ đúng lúc. Phim 300 quay chậm quay nhanh như thế nào thì Watchmen này cũng tương tự như thế. Lần này Snyder tiếp tục làm phim theo kiểu frame by frame y như trong truyện, chỉ khác là cắt bỏ bớt một số phần có thể gây lúng túng ở người xem chẳng hạn như câu chuyện cướp biển (tới giờ mình cũng chưa biết chuyện này có liên quan gì đến nội dung nữa), hay cái chết của Nite Owl 1…
Thoại phim rất hay và ý nghĩa vì xét cho cùng, văn phong comic có ai qua được Alan Moore và Neil Gaiman. Sách của hai ông này tuy comic nhưng không phải comic mà có thể xem như sách thánh hiền. Lời thoại phim có thể được thay đổi cho phù hợp nhưng lời thoại và những đoạn nhật ký trong cuốn journal của Rorschach gần như được giữ nguyên xi không suy chuyển so với nguyên tác truyện tranh. Nếu xét trên phương diện phim chuyển thể từ truyện của Alan Moore thì có thể nói Watchmen chuyển thể lần này hay hơn một tí so với V for Vendetta.
Watchmen như một album đặc biệt với những bài hát nổi tiếng. Đầu tiên là The Times They Are A Changing của Bob Dylan trong khúc opening montage như mình đã nói ở trên. Sau đó là Sound of Silence của Simon & Garfunkel trong đám tang trong mưa của The Comedian, rồi Unforgetable của Nat King Cole, All Along the Watchtower của Jimmi Hendrix, đặc biệt có Hallelujah của Leonard Cohen ngay khúc xxx của Silk Spectre và Nite Owl, tạo cảm giác mới lạ ghê, coi phim xong về phải nghe luôn vậy đó. Quên nhắc đến Ride on the Valkyries, đây có thể xem như khúc tribute cho Apocalypse Now của Francis Ford Coppola năm 1979. Ride on the Valkyries trỗi lên khúc máy bay trực thăng quần thảo làng mạc VN trong Apocalypse Now và một lần nữa, cảnh này xuất hiện y chang trong phim Watchmen, chỉ có khác là chuyến này có Dr Manhattan đi bên dưới mà thôi.
Lạc giữa rừng nhạc bất hủ là Desolation Row của My Chemical Romance trong khúc ending credit của phim. Không phải tự nhiên mà My Chemical Romance có cửa vào đây đâu nha. Gerard Way, vocalist của MCR là một hardcore fan của comics, đồng thời là tác giả của bộ comic Umbrella Academy, có thể xem đây là bộ truyện khá hay so với tuổi đời và kinh nghiệm của của Gerard Way. Thật là một trải nghiệm phim tuyệt vời!
Góc Điện Ảnh