Howards End – một cuốn tiểu thuyết cổ điển nước Anh của nhà văn E.M Foster một lần nữa lại được chuyển thể lên phim nhưng không phải bằng ngôn ngữ điện ảnh như bản chuyển thể 1992 mà là một phim truyền hình ngắn phát sóng trên BBC One. Ba gia đình với những hoàn cảnh sống, những con người với những suy nghĩ, những câu chuyện tình yêu và cả những ranh giới giai cấp tưởng như tách biệt lại cùng hòa quyện, vẽ nên một xã hội Anh đầu thế kỷ 20 đầy màu sắc và lôi cuốn.
Xem thêm:
Tình cờ tôi thấy tên bộ phim “Howards End” trên ứng dụng xem phim với tựa dịch là “Cuộc chiến gia sản”. Ấn tượng đầu tiên của tôi với poster phim là hình ảnh chụp nghiêng một quý cô xinh đẹp, cá tính ngồi trên vạt cỏ xanh trong ánh sáng chan hòa, rực rỡ, hình như tôi đã gặp cô ấy đâu đó ở một bộ phim khác mà tôi chưa thể nhớ ra. Tôi bắt đầu xem phim và rồi bị cuốn vào tới mức không dứt ra được. Bộ phim không dài, chỉ với 4 tập mỗi tập 1 giờ đồng hồ, nó không chi là một “Mini series” – phim truyền hình ngắn tập – mà dường như đó là một bộ phim điện ảnh hơi dài một chút, kịch bản cuốn nhanh với nhiều nút thắt bất ngờ, tính cách nhân vật rõ nét, sắc sảo, phục trang chau chuốt, tinh tế, diễn xuất ấn tượng. Tôi đã từng rất yêu các phim truyền hình cổ điển Anh như Downton Abbey, Poldark nhưng Howards End vẫn mang tới cho tôi những cảm nhận rất riêng.
Ba gia đình trong phim gồm có gia đình thương gia Wilcox do quý ông Herry Wilcox (Matthew Macfadyen thủ vai) làm chủ theo chủ nghĩa thực tế điển hình; trong khi gia đình trí thức Schlegel do cô Margeret Schlegel (Hayley Atwell thủ vai) định hướng lại đi tìm sự dân chủ, tự do cho phụ nữ cũng như giảm bớt bất công trong xã hội; và cuối cùng là gia đình anh chàng nhân viên nghèo Leonard Bast thuộc giai tầng thấp kém với thu nhập bấp bênh và tiềm tàng nhiều rạn nứt trong tình cảm.
Tôi bị cuốn hút bởi sự khác biệt trong tính cách đối lập của các nhân vật nam và nhân vật nữ: Margeret chững chạc, chín chắn, rộng lượng và vị tha ra dáng người chủ gia đình sau khi cha mẹ qua đời thì người em gái Helen (Philippa Coulthard thủ vai) lại nông nổi, cảm tính và hay chạy trốn khi vướng những khúc mắc khó tháo gỡ. Mr. Henry là một tư sản tự thân giàu có luôn nhạy bén với kinh doanh, đạo mạo, từng trải trong chuyện tình cảm và có đôi lúc cứng nhắc thì ngược lại, anh chàng nhân viên công ty bảo hiểm Bast trẻ tuổi thiếu thực tế, bế tắc và mơ hồ trong chuyện tình cảm với cô nàng tầm gửi Jacky nhưng lại có những sở thích thượng lưu đọc sách và nghe nhạc cổ điển.
Chuyện tình yêu trong phim dường như không lãng mạn và đẹp như các phim cổ điển khác của Anh như Poldark hay Downton Abbey nhưng tôi lại vẫn yêu thích bởi nó phù hợp với tính cách và độ tuổi của nhân vật. Henry của độ tuổi trung niên đến với Meg (tên gọi tắt của Margaret) là sự cảm mến từ từ, đồng cảm giữa hai con người cùng có những nỗi cô đơn trong lòng, chẳng có câu nói nào “I love you – Anh yêu em” mà chỉ là những ánh mắt thấu hiểu, ấn tượng về nhau và một lời đề nghị “I am asking you to be my wife – tôi muốn hỏi cưới em làm vợ” có đôi chút ngập ngừng nhưng rất thẳng thắn. Chuyện tình cảm nhuốm màu bi kịch giữa Helen và Bast cũng chẳng hề nóng bỏng nhưng nó lại giữ được sự bí ẩn trong nút thắt cuối phim.
Diễn xuất của Hayley Atwell (giờ thì tôi đã nhớ ra mình đã từng ấn tượng với cô trong vai Aliana đóng cặp cùng tải tử Eddie Redmayne trong phim truyền hình cổ trang “The Pillars of the Earth”) làm sáng lên sự chững chạc, thông minh, quyết đoán, lý trí nhưng cũng không kém đi sự nhạy cảm, tinh tế của Meg. Dường như Atwell cũng đã không quá áp lực khi nhận vai diễn này trong khi cô biết nữ nghệ sỹ gạo cội Emma Thompson đã từng giành được tượng vàng Oscar nữ chính do vai diễn Meg trong bản chuyển thể Howards End năm 1992. Atwell đã trả lời phỏng vấn rằng, cô không muốn thể hiện các vai “nữ phụ gợi cảm” nữa mà muốn thể hiện những dạng vai khác như “nữ chính cổ điển”. Matthew Macfadyen đã chọn mẫu nhân vật Henry già dặn, gai góc hơn Mr. Dancy của “Pride & Prejudice – Kiêu hãnh và định kiến 2005”. Diễn xuất của các nghệ sỹ khác cũng nhiều thú vị mang tới cảm giác không nhân vật nào bị lẫn vào nhau.
Phục trang, bối cảnh phim vẫn đầy xa hoa, lộng lẫy, quyến rũ như xu hướng các bộ phim cổ điển Anh hiện nay. Màu sắc phim là sự tươi sáng của cỏ cây, hoa lá chứ không nhuốm màu ẩm đạm của xứ sở sương mù. Tôi đã từng mãn nhãn với phục trang, bối cảnh Downton Abbey (Lâu đài Downton) nhưng vẫn không cảm thấy sự trùng lặp hay nhàm chán khi xem “Howards End”.
Từ đầu cho tới cuối phim, tác phẩm mang tới cảm nhận vẻ đẹp duy mỹ đậm chất cổ điển Anh như Atwell từng trả lời phỏng vấn, đó là những bức thư tay, những khung cảnh đường phố với xe ngựa xen lẫn ô tô cổ, những tòa nhà cổ, những câu nói giao tiếp lịch thiệp,… Nhưng có một điều tôi cứ băn khoăn về tựa dịch “Howards End- Cuộc chiến gia sản” có gì đó không đúng lắm, phim phần nhiều thể hiện câu chuyện tình yêu, những đấu tranh xóa bỏ phân biệt gia cấp, nâng cao bình quyền cho phái nữ chứ không quá chú trọng vào tranh chấp tài sản thừa kế. Howards End là một điền trang gắn kết các gia đình trong phim, các mối quan hệ giằng chéo, đan xen và phức tạp.
Thu Hường
- Cảm nhận phim About Time và những bài học về tình yêu
- Cảm nhận phim Lion (2017) – Ai cũng có một ngôi nhà để tìm về.