Trong quá trình tìm hiểu về thể loại phim neo-noir, có một trang web xếp Chinatown là phim neo-noir hay nhất mọi thời đại, xếp trên cả Pulp Fiction (1994) và Taxi Driver (1976). Cộng với việc phim Chinatown được đề cử 11 giải Oscar năm 1975 (chỉ thắng 01 giải cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất) và liên tục có mặt trong top những phim kinh điển trong lịch sử màn ảnh, mình đoán nó là một bộ phim có số có má, và có lẽ là thành công nhất trong sự nghiệp của Polanski.
Xem thêm:
- Bình luận phim Scarface (Gã mặt sẹo) – Biểu tượng bạo lực gai góc và đẫm máu
- Florence Foster Jenkins (2016) – tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ
Nội dung phim Chinatown (1974)
Phim theo chân Jack Nicholson từ một vụ theo dõi ngoại tình vô hại cho đến điều tra một vụ giết người, một quả phụ nói dối không chớp mắt và một âm mưu thao túng nguyên LA giữa thanh thiên bạch nhật, khán giả được bóc tách hết bí mật này tới bí mật khác một cách điềm tĩnh, chỉnh chu và ít màu mè nhất có thể.
Không như những phim phá án thông thường khi tên thám tử khoe mẽ tụ tập đông đủ bàn dân thiên hạ và giải thích mọi sự kiện từ đầu đến cuối, trong Chinatown, góc nhìn của khán giả cũng là góc nhìn của anh giai Jack Nicholson, chỉ là khán giả không được thông minh như ảnh. Mọi bí ẩn của bộ phim được giải thích ngay khi nó đủ dữ liệu để giải thích, ngay sau khi bí ẩn đó được giải thích là một bí ẩn khác được đan cài vào, như thể nó là một xấp giấy ăn trong hộp vậy, rút hoài mà không hết giấy. Nếu có khác, bí ẩn sau lại ghê gớm hơn bí ẩn trước.
Mình thích nhịp điệu của Chinatown, bình lặng nhưng không nhàm chán. Mình thích tông giọng của Jack Nicholson, bình tĩnh nhưng không buồn ngủ. Mình thích bí ẩn trong Chinatown, đáng sợ nhưng không cường điệu. Mạch phim diễn ra không hề gay gắt chút nào, không tối hù dọa dẫm, không sinh tử bất chợt, không ám toán ly kỳ. Nó khá chậm rãi và khá thực dụng khi mà cảnh đánh đấm hành động thì rất nản, cao trào thì không thấy đâu, yêu đương thì nhuốm màu sắc dục với lợi dụng lẫn nhau là chính, mọi thứ diễn ra bình thản khi âm mưu thì cứ to dần đều lên nhưng nhân vật vẫn có thể về nhà, trèo lên giường và ngủ được.
Màn lật mặt kẻ chủ mưu sau rốt không có gì đặc biệt cả nhưng cái bí mật mà nữ chính Faye Dunaway che giấu cả đời mới thực sự đáng sợ. Khi mà trong phần lớn phim ảnh mình xem mình dành nhiều thiện cảm cho phe phản diện, phim Chinatown tạo nên một nhân vật tồi tệ đến mức mình thực sự ghê tởm mà thực lòng mong mỏi cho chính nghĩa được thực thi. Nhưng không, nhân danh nghệ thuật và vì muốn tạo sự khác biệt, Polanski chọn một cái kết vô hậu cho bộ phim, điều này làm trái ý biên kịch chính. Theo mình đọc được trên wiki, Towne, biên kịch chính, muốn một cái kết buồn nhưng ít nhất công lý cũng không bị che mờ nhưng Polanski kiên quyết đi theo con đường bất hạnh nhất có thể. Chính sự lựa chọn ngã ngửa này khiến Chinatown nổi bần bật trong hàng tá phim ảnh mình từng xem khác. Mình đã hoàn toàn bất ngờ, cái nhân vật duy nhất tốt đẹp và đáng thương trong bộ phim này gục ngã khi cuối cùng cũng dám đấu tranh cho chính mình. Cái chết của nhân vật thậm chí còn được “foreshadow”, được báo trước trong phim một cách rạng rỡ như soi gương nhưng bị mình xem nhẹ. Biết sao giờ, mình đã quá chủ quan, cho rằng lịch sử không thể lặp lại hai lần.
Nói một cách có cân nhắc, vào thời điểm 1975, phim Chinatown có nhiều tình tiết vượt khỏi khuôn khổ cliché của dòng noir, đồng thời đối với những khán giả đã xem nhiều phim và thích tự đặt giả thuyết như mình, Chinatown hoàn toàn làm tốt cái phần “âm mưu” của dòng phim. Bản thân mình không bất ngờ về người tốt, kẻ xấu trong phim nhưng trong suốt quá trình xem, mình thực lòng không thể chắc như đinh đóng cột ai là người tốt, ai là kẻ xấu. Mọi nhân vật luẩn quẩn trong cái vòng suy luận “có thể là nó” của mình bởi có nhiều thứ hoàn toàn có thể xảy ra và cái gì cũng có thể xảy ra. Trên hết, mình đã không ngờ Chinatown là một phim phản đạo đức như vậy, mình đã quá ngây thơ.
Diễn xuất
Diễn xuất của Jack Nicholson rất hay, Faye Dunaway chỉ ở mức tốt, không xuất sắc. Mình không rõ nữa, ở Jack Nicholson có một cái sự “tà” của nhân vật, không tốt, không xấu, vừa thông minh, vừa xảo trá, vừa tỉnh táo, vừa nóng giận, và vừa vặn với nhân vật. Gương mặt của Jack lúc cuối phim và câu thoại “as little as possible” giống như một tiếng vọng, mình nhìn thấy cả ký ức của nhân vật đang sống lại cùng với sự đau khổ, hối tiếc, dữ dội, bất lực và sự gào thét trước chính mình của nhân vật. Cái người vừa chết đêm hôm đó còn có cả Jake, Chinatown là nơi chôn vùi hy vọng cuối cùng của anh.
Đoạn cao trào và kết thúc của phim Chinatown diễn ra rất chóng vánh. Khán giả ngỡ ngàng trước cái kết thúc thê lương của bộ phim. Và khi “Forget it, Jake. It’s Chinatown” vang lên, chữ bắt đầu chạy, cái ngỡ ngàng ấy nhường cho sự giận dữ. Mình cũng đã tức giận. Mình đã thực sự mong mỏi một cái kết tốt đẹp hơn cho mọi người, nhưng có lẽ đó chỉ là mong mỏi viển vông, bởi đây là Chinatown, nơi là luật pháp không với tới được. Đó cũng có lẽ là ý nghĩa mà Polanski muốn thể hiện, LA là một nơi mà tội ác chảy trong nước con người uống hàng ngày, nơi người có tiền thì muốn sao cũng được, người tốt thì chết, người xấu thì cứ tiếp tục chễm chệ làm người xấu, nói chung cuộc sống cứ tiếp diễn xoay vần thoải mái còn con người cứ cố mà sống cái phận mình thôi.
Nói gì thì nói, Polanski đã rất táo bạo khi chọn cái kết này. Nó đã là một canh bạc đại thắng. Nếu chọn cái kết mà biên kịch mong muốn, khán giả xem xong phim Chinatown sẽ dễ chịu và thanh thản, bộ phim cũng vì thế trôi luôn vào thinh không. Nhưng vì chọn cái kết này, bộ phim làm tổn thương khán giả. Người ta xem xong phim, giận dữ chỉ diễn ra trong chốc lát, cái cảm xúc đọng lại lâu dài và khoét sâu hơn khi ta ngẫm nghĩ về nó rồi cuối cùng gật gù, phim cũng ghê gớm lắm. Một cái kết đáng nhớ và định nghĩa cả bộ phim và dòng phim.
Polanski dĩ nhiên có tài năng, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Từ Rosemary’s Baby đến Chinatown có thể là một bước tiến dài của sự nghiệp, hoặc có thể là do kịch bản và diễn viên xịn hơn nên phim xịn hơn. Dẫu nó có là gì, cả hai bộ phim này đều đáng để xem, đặc biệt là Chinatown.
Happylazydays