Phim Em của thời niên thiếu với sự tham gia của Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỉ chính là “ngựa ô” của giải Kim Tượng 2020. Phim cho thấy một định nghĩa đầy đớn đau và nước mắt của hai tiếng “thanh xuân”.
Xem thêm:
- Review phim ‘Shadow’ (Vô Ảnh) – Phim võ hiệp của Trương Nghệ Mưu
- Review phim ‘Little Women’ gia đình, tình yêu và khát vọng
Góc nhìn đầy lạ lẫm trong Em Của Thời Niên Thiếu về một thanh xuân sóng gió
Được chuyển thể từ tiểu thuyết tình cảm cùng tên của tác giả được yêu thích Cửu Nguyệt Hi, phim Em Của Thời Niên Thiếu mở ra giữa những ngày tháng căng thẳng bộn bề chuyện thi cử của Trần Niệm – một cô gái sống khép kín, rụt rè và cam chịu. Cuộc sống của Trần Niệm tưởng như chẳng thể khó khăn hơn được nữa khi cô vừa phải cố gắng đến kiệt sức để luyện thi, vừa phải gồng mình chịu đựng sự tra tấn tinh thần từ đám chủ nợ của mẹ mình.
Đột ngột, một người bạn trong lớp của cô bé tự sát. Trần Niệm (Châu Đông Vũ), vì lòng thương cảm mà đã bước tới, cởi áo che cho thi thể bạn. Hành động ấy khiến cô bị chú ý bởi cả cảnh sát và nhóm nữ sinh đã bắt nạt thậm tệ cô bé xấu số kia. Trần Niệm trở thành đối tượng mới của nhóm bắt nạt ấy. Cùng lúc đó, ra tay cứu người mà Trần Niệm quen biết Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ), một tay lưu manh đầu đường xó chợ.
Tiểu Bắc đề nghị được bảo vệ Trần Niệm trước đám bắt nạt, trong khi Trần Niệm chỉ mong muốn yên ổn vượt qua quãng thời gian cuối cùng này, yên ổn dự thi, yên ổn tới Bắc Kinh nhập học… Mong muốn của cô gái nhỏ chỉ gói gọn trong bốn chữ “yên ổn trưởng thành”.
Sự đời nhiễu nhương, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Trần Niệm các nhịn nhục chịu đựng, thì những kẻ bắt nạt cô càng ngang nhiên lấn tới. Cô gái cuối cùng cũng buộc phải chấp nhận sự bảo vệ thầm lặng của Tiểu Bắc sau lưng mình. Nhưng Trần Niệm, và cả Tiểu Bắc cũng không hề nhận ra, rằng khoảnh Trần Niệm chấp nhận Tiểu Bắc, cô cũng đã vô tình mở hé cánh cửa tâm hồn mình để vô vàn những cảm xúc phức tạp theo chân chàng trai ấy lẻn vào.
Hai thiếu niên yếu thế và mất mát giữa thành phố của sự vô cảm
Khán giả đã được thấy trong điện ảnh và truyền hình biết bao tình yêu học trò nảy nở từ quãng thời gian thanh xuân “như cơn mưa rào” vừa vụng dại đáng yêu, lại vừa ngọt ngào đáng nhớ ấy. Những câu chuyện mà các nhân vật luôn kết thúc trong hình ảnh những người trưởng thành chín chắn, nhìn về thanh xuân như quãng thời gian ngọt ngào chẳng nỡ quên đi.
Nhưng với Em Của Thời Niên Thiếu, cô bé Trần Niệm lại như mắc kẹt vĩnh viễn trong những ngày “thanh xuân” ấy. Những ngày cuối cùng của thời niên thiếu với cô giống như một cơn bóng đè không hồi kết. Bị uy hiếp, không bạn bè, không kỉ niệm đẹp… thậm chí người duy nhất quan tâm tới cô cũng chỉ là một gã lưu manh không ai biết, chẳng ai hay.
Trần Niệm và Tiểu Bắc, hai thiếu niên sống giữa thành phố ken đặc người mà như hai kẻ cô đơn sống giữa một vùng đất hoang lạnh. Sự hiện diện của họ chẳng được ai nhớ tới, chẳng có ai mong chờ ngoài những kẻ bắt nạt, hay những người cảnh sát chỉ tìm đến để cảnh cáo khi họ mắc sai lầm. Không được yêu thương, thiếu người uốn nắn, Trần Niệm và Tiểu Bắc chỉ biết nương tựa và nhau tìm cách sống sót vượt qua những nhiễu nhương của đời sống.
Quan hệ giữa hai thiếu niên bơ vơ ấy không được xây dựng một cách mạch lạc rồi gọi tên bằng hai tiếng “tình yêu”. Trái lại, nó là một tập hợp những trớ trêu, khổ đau, uất ức, mất mát và cả cuồng nộ… Trần Niệm càng gắn bó với Tiểu Bắc, những thứ họ phải đánh đổi cũng càng mỗi lúc một nhiều thêm.
Nhưng dù đau đớn, dù mất mát, cả hai vẫn chấp nhận bước tới. Họ quyết đem bình yên để đánh đổi lấy bình yên. Trần Niệm đánh đổi sự trốn tránh trong câm lặng để tìm lấy một người bạn, Tiểu Bắc đánh đổi cả tương lai của mình để đổi lấy tương lai bình yên cho cô gái nhỏ mà cậu quyết che chở.
Không lựa chọn thanh xuân như một khoảng kí ức để nhớ về, mà khai thác những góc tối của nó như nhìn trực diện vào một cơn ác mộng chưa thấy đường ra, Em Của Thời Niên Thiếu lựa chọn cách khó khăn nhất, ám ảnh nhất, và cũng đáng nhớ nhất để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để trưởng thành?
Lối thoát nào cho tuổi trẻ lạc lối và hoang mang?
Đôi lúc, bộ phim có thể khiến người xem liên tưởng tới cảm giác hoang mang và lạc lối của “All About Lily Chou Chou”. Bộ phim Nhật Bản từ những năm 2001 này cũng khai thác mặt tối của cuộc sống học đường và nỗi hoang mang của những đứa trẻ đang lớn bị chuyển hoá thành bạo lực nhắm vào những kẻ yếu thế.
Ra mắt sau “All About Lily Chou Chou” 18 năm – khoảng thời gian đủ dài để một đứa bé ra đời, và đạt tới cái tuổi của những đứa trẻ trong bộ phim học đường năm đó, nhưng phim Em Của Thời Niên Thiếu cho thấy, sau chừng ấy năm, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Đời sống học đường, những cô cậu thiếu niên, hay rộng hơn, là hành trình trưởng thành của một con người, qua 18 năm, cũng có thể là thêm nhiều lần của 18 năm nữa, vẫn là chuỗi ngày đấu tranh với một kẻ thù ta không rõ mặt.
Đôi lúc, ta gắn cho kẻ thù ấy diện mạo của kẻ khác mình, như cái cách mà Nguỵ Lai hết lần này tới lần khác tấn công Trần Niệm; đôi lúc, ta lại gắn cho kẻ thù ấy gương mặt của những người trưởng thành luôn bắt ta phải tuân theo luật lệ, như cái cách Tiểu Bắc luôn tỏ ra ngoan cố và bất cần.
Nhưng sự thực, “kẻ thù” đứng chắn giữa Trần Niệm, Tiểu Bắc hay bất kì thiếu niên nào ở cái tuổi nỗi loạn ấy với sự trưởng thành là gì? Tất nhiên, Em Của Thời Niên Thiếu cũng gián tiếp mang giải đáp cho khán giả, không phải bằng một bài học đạo đức đóng khung, mà chỉ bằng một nụ cười nhẹ nhõm trên khuôn mặt Trần Niệm và Tiểu Bắc khi họ gặp lại nhau. Nụ cười ta chưa bao giờ thấy xuất hiện trong suốt cả bộ phim rất dài.
Đó chính là đáp án. Trưởng thành không phải một bậc học mới được đánh dấu bằng kì thi đại học khó khăn. Trưởng thành cũng không phải một giai đoạn mới trong cuộc đời khi ta có thể phủi tay quay lưng lại với quá khứ. Trưởng thành lại càng không phải bằng mọi giá đạt được ước mơ của mình…
Trưởng thành, theo định nghĩa của Em Của Thời Niên Thiếu, là khi ta có thể bình tâm lựa chọn hành động đúng đắn, và đối diện với lương tâm mình bằng một nụ cười không hối tiếc. Tương lai và ước mơ có thể làm lại, nhưng sự trưởng thành sẽ không cho ai cơ hội được trì hoãn để hoàn thành bài thi tốt nghiệp làm người. Trần Niệm cuối cùng cũng hiểu ra, nhưng may mắn, là chưa quá muộn màng.
“Thanh xuân như cơn mưa rào”, lỗi ví von sến sẩm ấy vẫn chưa bao giờ cũ. Nhất là khi sau cơn mưa, cây lá lại đâm chồi xanh tươi hơn bao giờ hết. Tổng thể phim Em Của Thời Niên Thiếu chính là cơn mưa rào dữ dội ấy. Bộ phim đưa các nhân vật trải qua những tháng ngày của đau khổ và lạc lối, nhưng tuyệt nhiên không nhằm vùi dập, mà để kéo họ về phía một khởi đầu mới tươi sáng hơn. Như cách mà một trong những người thầy giáo đã nói giữa cơn mưa tầm tã, các em xem xem, trời đã sắp sáng lên rồi.
Anh Phan
- Review phim A Sun (2019) Dương quang phổ chiếu
- Review và giải thích phim The Call (2020) Cuộc gọi về quá khứ