Phim “Ngôi làng tử khí” (Howling Village) là tác phẩm của đạo diễn Takashi Shimizu nói về ngôi làng ma ám Inunaki. Cảnh báo: Có SPOIL. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!.
Xem thêm:
- Review và giải thích phim ‘The room’ 2019 (Căn phòng cám dỗ)
- Review phim ‘Gretel & Hansel’ (2020) Chuyện cổ kì dị không nên được khơi ra
Inunaki là một trong những địa điểm ghê rợn nhất của Nhật Bản. Có rất nhiều truyền thuyết về ngôi làng này, từ các thiết bị điện tử không sử dụng được trong khu vực này, cho đến việc dân làng tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, sẵn sàng chém giết, ăn thịt đồng loại, loạn luân mà không phải chịu bất kỳ hình thức xử phạt nào do mọi hiến pháp và pháp luật Nhật Bản không được áp dụng tại đây. Ngay cả đường hầm dẫn vào làng cũng từng xảy ra nhiều án mạng dã man. Vậy nên chính phủ Nhật Bản đã không công nhận địa điểm này trên bản đồ.
Và trong Howling Village, nhân vật chính Morita Kanae phải tìm đến ngôi làng này để tìm hiểu những cái chết bí ẩn diễn ra quanh nhà Morira, đồng thời giải cứu anh em trai mình. Nghe đã thấy một trời kinh dị rồi đúng không. Bởi sau khu rừng tự sát Aokigahara, chúng ta lại tiếp tục được chứng kiến một địa danh ma ám nổi tiếng khác trên màn ảnh rộng. Chưa kể đạo diễn của Howling Village chính là Takashi Shimizu – cha đẻ của huyền thoại Ju-on nên tôi đã mong chờ rất nhiều vào phim này. Nhưng thực tế lại không như là mơ, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm thôi.
Howling Village có mở đầu rất ổn với khung cảnh u ám, rùng rợn của đường hầm đá sâu hun hút và những ngôi nhà bỏ hoang. Thêm vào đó là tấm biến “Từ nơi này trở đi, hiến pháp Nhật Bản sẽ không được áp dụng” cùng những tiếng chó tru rợn người, đúng với cái tên Inunaki (Khuyển Minh – Chó Sủa) như lời cảnh báo đến những kẻ to gan dám xâm phạm vào làng Inunaki.
Nhưng tò mò vốn là bản chất của con người, vậy nên con trai cả nhà Morita là Yuma và bạn gái Akina đã đến đây để ghi lại hình ảnh về ngôi làng. Họ ngay lập tức bắt gặp những hiện tượng bí ẩn và phải bỏ chạy trong sợ hãi tột độ. Từ sau khi trở về, Akina bị ám. Cô liên tục hát những giai điệu quái gở: “Lũ chó cưỡi lên cô gái. Họ muốn niêm phong chúng lại…” và cuối cùng đã tự tử bằng cách nhảy từ trên cột điện xuống đất. Xem đến đây tôi đã nghĩ chắc là sau đó Kanae sẽ tìm hiểu về Inunaki và phát hiện ra những bí ẩn kinh hoàng về ngôi làng. Motif chung là như vậy nhưng Howling Village lại là bước ngoặt mà tôi không thể lường được.
Tất nhiên, phim Ngôi làng tử khí vẫn có những giây phút kinh dị như phân đoạn cận cảnh cái xác của Akina khi rơi từ trên cao xuống. Tay chân co quắp giật giật, máu đỏ từ đầu chảy ra nhuộm đỏ con đường, đôi mắt mở to trợn trừng vẫn còn nguyên vẻ kinh hoàng. Đoạn này chắc chắn khiến nhiều thanh niên yếu bóng vía phải khóc thét. Dù vậy, chỉ một vài cánh én nhỏ thì không thể làm nên mùa xuân. Tên phim mang tiếng là Ngôi Làng Tử Khí nhưng người xem làm gì được nhìn thấy làng xóm mấy đâu. Đoạn đầu thì mới thăm được mỗi cái nhà vệ sinh với liếc qua một căn phòng là Yuma với Akina đã bị dọa sợ chạy trối chết rồi.
Phần lớn thời lượng phim chỉ quanh quẩn ở bệnh viện nơi Kanae làm việc, nhà Morita, nhà Hayato Nakamura – ông ngoại của Kanae và trên đường. Đến mãi gần cuối phim, khán giả mới được mục sở thị quang cảnh ngôi làng nhưng chỉ qua một đoạn phim mờ ảo nhòe nhoẹt. Quả là khó hiểu khi phim rõ ràng đã có sẵn một địa điểm không thể tuyệt vời hơn nhưng lại không hề tập trung khai thác nó. Tôi nghĩ phim có khi phải đổi tên thành Đường Hầm Tử Khí cũng nên, tại đến đường hầm còn được ưu ái hơn chính ngôi làng nữa.
Không chỉ bối cảnh mà ngay đến cả nội dung phim cũng càng lúc càng xa rời làng Inunaki. Ban đầu thì đúng là nói về ngôi làng ma ám thật, nhưng xong tự dưng lại lái sang hành trình Kanae đi tìm bố mẹ cho bà ngoại??? Phim khơi ra một đống vấn đề về việc ông Akira Morita nói vợ mình có dòng máu xấu, rồi cả lời cảnh báo của bác sĩ Yamanobe với ông Akira: “Anh biết trước đây chúng ta đã làm gì mà.”, rồi cả những lời đồn đại về làng Inunaki nhưng lại giải quyết tất cả trong phút mốt chỉ với đoạn phim cũ mèm.
Hóa ra, trước đây dân làng Inunaki vốn sống bằng nghề săn chó hoang. Một ngày, có một nhóm người đến kết thân với dân làng và rồi sau đó nhanh chóng lộ ra bản chất xấu xa. Họ chính là người của công ty điện lực, muốn xóa sổ ngôi làng để xây dựng hồ thủy điện. Nhóm người này giam giữ những người phụ nữ rồi phao tin đồn rằng họ quan hệ với lũ chó. Cuối cùng, cả ngôi làng bị nhấn chìm trong biển nước.
Câu chuyện này khớp với tấm gương có ghi công ty điện lực năm 1947 mà Yuma tìm thấy trong lần đầu đến làng Inunaki và hiện tượng những người chết đều có lá phổi đầy nước. Mà đứng đầu công ty điện lực chính là tổ tiên đời trước trước của nhà Morita. Và qua câu chuyện của ông ngoại, Kanae cũng dần nhận ra bà ngoại mình lại là người dân của làng Inunaki, khả năng nhìn thấy linh hồn của cô cùng là di truyền từ bà. Thành ra chúng ta có một câu chuyện trớ trêu như phim tình cảm Hàn Quốc, đó là hậu duệ của nhà Morita lại kết hôn với con cháu của làng Inunaki, người mang dòng máu của những kẻ giết chó. Nhưng tôi vẫn thắc mắc là làm thế nào ông Akira lại biết nguồn gốc của bà vợ Ayano, vì từ đầu phim ông này đã liên tục nói về dòng máu của bên vợ. Mà nói thật ra, tôi vẫn mong đợi những bí mật giật gân hơn cơ. Chứ quăng ra cả đống thính xong cuối cùng lại chỉ liên quan đến cái hồ thủy điện, thành ra có chút hụt hẫng. Và hình như để không phụ lòng công ty điện lực đã mất công tung tin đồn, những người phụ nữ trong làng tự dưng cũng hóa chó thật??? Từ bà Ayano cho đến Maya, cứ lúc nào cáu lên là sẵn sàng giở món cẩu xực ra để đối phó với người khác. Đấy là chưa kể phim còn có lan man sang các sự kiện không mấy liên quan. Điển hình là sự xuất hiện của ông bác sĩ Yamanobe, gia đình cậu bé bệnh nhân của Kanae.
Lúc đầu, tôi cho rằng việc Kanae nhìn thấy hồn ma mẹ đẻ của cậu bé chỉ là để giới thiệu về khả năng đặc biệt của Kanae. Nhưng việc hồn ma này cứ liên tục xuất hiện dần khiến mạch phim bị loãng khi nói thẳng là nhân vật này chả có vai trò gì cả. Và củ chuối nhất chính là việc biên kịch cho khán giả một slot trên cỗ máy thời gian để du hành về quá khứ cùng với Kenji Narimiya – một người lạ hoắc từ trên trời rơi xuống. Tên nhân vật này là lúc viết bài lên mạng tra mới thấy, chứ lúc xem phim tôi mù tịt hoàn toàn luôn. Kanae mới chỉ nhìn thấy Kenji một lần lúc còn nhỏ khi ở nhà bà ngoại và lúc sau là ở trong đoạn phim, thế mà lúc Kenji tự dưng xuất hiện rồi bảo cần cô đi cùng đến một nơi thì Kanae cũng đi theo luôn??? Sao tin người quá vậy? Biết là trước đây bà ngoại bảo anh ta không làm hại bà thì cũng phải có tí đề phòng chứ. Kể việc vẻ ngoài của anh ta vẫn giữ nguyên sau ngần đấy năm cũng không khiến cô thắc mắc luôn. May là anh này dẫn cô đi xem đoạn băng cuối cùng về làng Inunaki chứ nếu Kenji mà là ma ám chắc Kanae tèo lâu rồi.
Và sau đó là cảnh phim mà tất cả đều mong chờ, Kanae đến làng Inunaki sau khi nhận được điện thoại cầu cứu của Yuma và em trai Kota. Nếu các bạn thắc mắc không biết còn có sự thật gì được phơi bày hay mong chờ thêm những cảnh hù dọa thót tim thì câu trả lời là không có gì đâu. Thậm chí với tôi, đây còn là giọt nước làm tràn ly khi chính phân đoạn này đã đẩy độ xàm xí của phim lên mức đỉnh điểm.
Trước tiên là cậu con cả của nhà Morita. Yuma và Akina cùng đến làng Inunaki nhưng lại chỉ có Akina bị ám, còn Yuma vẫn bình yên vô sự. Cứ tưởng bất kỳ ai đặt chân đến làng là bị nguyền rủa chứ, giờ hóa ra lại là ám có chọn lọc à? Cậu trai này phúc lớn mạng lớn nhưng không biết điều, cứ đùng đùng đòi quay lại Inunaki trả thù cho bạn gái, xong lại phải dùng sự trợ giúp gọi điện thoại cho người thân.
Tiếp đến là cậu út Kota. Trông vóc dáng thì tôi mạnh dạn dự đoán mới đang học tiểu học, nhưng chả hiểu trường lớp thế nào mà lại giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu về ngôi làng ma ám. Kota lại là con ngoan trò giỏi, quyết tâm hoàn thành bài tập đến cùng. Vậy nên khi Yuma quay lại làng Inunaki, Kota đã trốn trên xe và rồi bị tóm luôn cùng anh trai. Nhiệm vụ giải cứu của Kanae cũng đơn giản không ngờ khi được Kenji chỉ dẫn tận nơi và may phước là cô gặp phải con chó giữ nhà quá ham ngủ. Xung quanh là tiếng nói chuyện ồn ào, thậm chí còn có người lạ đi lại trước mặt mà nó vẫn thản nhiên nằm ngủ. Trong nhà cũng không có hồn ma bóng quế nào mà chỉ có cô gái tên Maya vừa sinh con xong. Thế là Kanae ngay lập tức kiêm thêm nhiệm vụ của người vận chuyển với lời nài nỉ của Kenji: “Hảy cứu lấy con của chúng tôi”. Và dường như để tăng thêm độ khó cho game, anh chị em nhà Morita quyết định phớt lờ quy tắc sống còn để sinh tồn trong phim kinh dị. Đó là biết có bán yêu Maya đang đuổi theo đòi lại con mà không lo chạy cho nhanh, lại còn cứ đứng yên một chỗ nhìn người chó biến hình. Thật tình lúc đấy tôi muốn đứng lên giữa rạp mà hét: “Trời ơi, không lo chạy đi còn đứng đấy làm gì”, nhưng 3 nhân vật vẫn cứ chôn chân tại chỗ rồi gào thét đủ kiểu. Có lẽ Yuma đã nghe thấy tiếng lòng của tôi nên anh này đã có màn hi sinh lãng xẹt bằng cách lao đến giữ chân Maya cùng Kenji. Đứa bé ấy thì mọi người cũng đoán được là ai rồi đúng không? Đó chính là bà ngoại của Kanae, năm xưa được tìm thấy trước cửa nhà Nakamura. Kết thúc là tro cốt Kenji và Maya được an táng cùng phần mộ của bà ngoại, rồi Kanae nhìn thấy gia đình 3 người họ mỉm cười với cô và hết phim. Cái kết có hậu đấy, nhưng mà khoan đã, thế còn ngôi làng thì sao? Chúng ta đang xem phim Ngôi Làng Tử Khí mà, sao tự dưng lại chuyển thành chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly vậy? Và kể từ khi Kanae tìm được cụ ngoại của mình, tất cả chuyện dường như đều được hóa giải. Ông Akira tự dưng cũng dịu dàng hơn hẳn với vợ mình, không đề cập đến chuyện máu tốt với máu xấu nữa. Cả nhà không ai bị nguyền rủa. Đến cả hồn ma mẹ đẻ của cậu bé bệnh nhân cũng thân thiện đến bất ngờ, còn gửi lời chào Kanae rồi chấp nhận siêu thoát nữa. Kỳ diệu vậy. Đùa chứ, thế này khác gì bảo Kenji và Maya là nguồn cơn của mọi chuyện. Vậy mới nói, mang tiếng là phim về làng mà chả thấy hình bóng làng xóm đâu cả. Còn phải học tập ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân nhiều nhiều. Có lẽ đây là lý do phim chỉ nhận được 5,3/10 trên IMDb, mà với tôi điểm thế này vẫn còn cao chán.
Nói tóm lại, các bạn đừng quá mong chờ vào lời quảng cáo “Từ cơn ác mộng của đạo diễn series kinh dị Ju-on” trên poster phim làm gì. Bởi Takashi Shimizu có thể từng tạo ra huyền thoại Ju-on, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi phim do Takashi Shimizu đều có thể trở thành huyền thoại. Nếu mọi người hỏi tôi cảm xúc suy nghĩ sau khi xem phim Ngôi làng tử khí Howling Village thì câu trả lời của tôi sẽ là phim có dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp, hết. Và nếu thích truyện liên quan đến yêu quái rồi chó thì các bạn có thể tìm đọc Inuyasha của Takahashi Rumiko. Thích bán yêu có bán yêu, mà thích yêu quái thuần chủng ngầu lòi cũng có luôn, không cần xem phim về làng Inunaki làm gì cho phí thời gian.
Châu Nguyễn
- Review phim ‘The age of innocence’ (1993) những thước phim đẹp của Martin Scorsese
- Review phim ‘Lời nguyền’ (The Grudge) bản remake thất bại