Review và giải thích dòng thời gian trong phim ‘The Witcher’ 2019 (season 1)

Review phim The Witcher (2019) Series phim truyền hình thể loại giả tưởng hành động đáng chú ý nhất cuối năm 2019 của Netflix.

Series phim truyền hình đáng chú ý nhất cuối năm 2019, một lần nữa, lại là một đứa con của Netflix mang tên The Witcher. Vào thời điểm này, tôi chắc rằng rất nhiều khán giả đã bắt đầu truyền tai nhau về sự đặc biệt của series phim này. The Witcher là series phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên cực kỳ thành công của đại văn hào người Ba Lan Andrej Sapkowski.

Đây là một bộ phim hội tụ đầy đủ những chủ đề từ nhân tính, chính trị, chiến tranh, ma thuật và quái vật của nền văn hoá Đông Âu. Có lẽ chỉ cần nghe qua là mọi người đã có thể thấy rằng đó là những nguyên liệu để làm ra một ly cocktail điện ảnh đặc biệt đến thế nào.

Đồng thời, đây cũng là một tác phẩm cực kỳ khó chuyển thể và là một bước đi cực kỳ mạo hiểm của Netflix.

Ở Ba Lan, tên tuổi của The Witcher lớn đến mức tổng thống Obama đã từng nhận được một món quà mang đầy tính văn hoá của tổng thống người Ba Lan là đĩa game The Witcher 2: Assassin of Kings. Sự thành công của cả tiểu thuyết lẫn series game nhập vai cùng tên trên thế giới là đã đủ nói lên đây là một dự án mang tầm vóc lớn đến thế nào. Để chuyển thể thành công nó thì cũng không khác gì kỳ công của đạo diễn Peter Jackson khi thực hiện series Lord of the Rings trước đây.

Nếu chưa từng biết đến The Witcher, có thể bạn sẽ tự hỏi vì sao bộ tiểu thuyết này của đại văn hào người Ba Lan – Andrej Sapkowski – lại thành công đến thế? Câu trả lời chính là dù mang bối cảnh về một thế giới châu Âu thời trung cổ nhưng The Witcher lại có được một bộ các nhân vật đều là những nhân cách lớn, họ sinh tồn trong thế giới tàn khốc ấy bằng tài năng lẫn bản lĩnh lạ lùng của mình, từ đó lột tả rất nhiều góc nhìn đầy bất ngờ về nhân tính.

Hơn thế nữa, sự trộn lẫn của những mâu thuẫn chính trị, của thứ “công nghệ” kinh khủng nhất thời bấy giờ là ma thuật, cho đến sự chi tiết trong cách Andrej Sapkowski mô tả hình dáng và tập tính của các loại quái vật dân gian đều cực kỳ cuốn hút. Thậm chí, sau khi The Witcher được ra mắt trên Netflix, tác giả bộ truyện này đã nhanh chóng được xếp vào hàng những tác giả tiểu thuyết hàng đầu thế giới, vượt qua Geogre R. R. Martin của Game of Thrones.

Với những người đã chơi series game nhập vai cùng tên của CD Projekt RED, họ cũng đã có một định kiến phần nào về một hình mẫu Geralt of Rivia xuất sắc trong game. Thế nên họ cũng đã phản đối việc Henry Cavill được nhận vai chính. Hơn ai hết, họ cũng là người hiểu rõ nhất về việc để xây dựng được một thế giới chi tiết, rùng rợn và lôi cuốn như trong game sẽ cần đến một kinh phí đầu tư khổng lồ.

Nhưng bất chấp những bước đầu đầy thử thách ấy, The Witcher vẫn nhận được vô số những lời khen từ giới phê bình thế giới. Đồng thời không ít người đã không tiếc lời coi đây là series phim truyền hình ưu thích nhất của họ trong năm 2019.

Season đầu tiên của The Witcher thực sự mới chỉ là một dự án pilot (thử nghiệm) của Netflix để đo phản ứng của khán giả về tác phẩm chuyển thể này. Nhưng nếu so sánh với một series dạng pilot thì nó quá xuất sắc. 3 tập đầu đầu của phim có thể sẽ chưa mang nhiều sự khởi sắc nhưng từ tập 4 trở đi, khi các tranh chấp chính trị bắt đầu leo thang thì mọi người sẽ bị cuốn đi từ hết tập này đến tập khác.

Tôi chắc rằng từ season tiếp theo, The Witcher của Netflix sẽ được đầu tư chỉn chu và đồ sộ hơn rất nhiều và sẽ còn khiến khán giả phải bất ngờ.

Bất chấp nhiều đánh giá trái chiều về ngoại hình của diễn viên Henry Cavill, đây vẫn là một dự án có sự đầu tư cực kỳ công phu về diễn xuất của nam thần cơ bắp này. Gần đây thế giới mới ồ à khi biết được Henry Cavill vốn là một gamer chính hiệu và cũng là fan cuồng của The Witcher. Anh đã nghiên cứu rất kỹ nhân vật Geralt of Rivia, từ giọng nói, cho đến cách di chuyển và kiếm thuật của thời kỳ trung cổ để có thể hoá thân xuất sắc vào nhân vật.

Điểm trừ duy nhất mà mọi người có thể chê bai về Henry Cavill chỉ là có thể hình quá vạm vỡ so với Geralt trong truyện. Nhưng đó lại là điểm cộng rất lớn cho các cảnh sex và cảnh nude trong phim.

Câu chuyện của The Witcher trên phim sẽ ra sao là thứ mà tôi sẽ để người xem tự cảm nhận. Đây là một bộ phim rất đáng xem, thậm chí sau khi xem xong, bạn có thể tìm đọc tiếp cả tiểu thuyết hoặc chơi game để tiếp tục thoả mãn sự tò mò của mình về thế giới trong phim.

Giải thích dòng thời gian trong phim The Witcher

Tưởng chừng chuyện trong The Witcher diễn ra theo trình tự nhưng thực ra các các cảnh trong phim khi xuất hiện Yennefer, Geralt và Ciri là ở ba thời điểm khác nhau (dòng thời gian khác nhau). Phải đến gần cuối season 1, các nhân vật mới cùng xuất hiện ở một thời điểm. Câu chuyện được chia ra như sau:

Có 3 thời điểm xuất hiện các nhân vật bao gồm:

  • Hiện tại: luôn có sự xuất hiện của Ciri
  • Quá khứ gần: Phần lớn các cảnh phim của Geralt trong khoảng 6 tập đầu tiên
  • Quá khứ xa: những cảnh phim giới thiệu nguồn gốc của Yennefer trong tập 2 và tập 3

Theo quy ước như trên, thời điểm Cintra sụp đổ chính là điểm khởi đầu câu chuyên. Lúc này, Ciri bắt đầu hành trình chạy trốn khỏi kẻ thù truy đuổi và tìm đến Geralt

Các sự việc khác sẽ xảy ra theo trình tự sau:

95 năm trước: Mẹ của Geralt đã bỏ rơi anh (theo những kí ức thoáng qua trong tập 8).

70 năm trước: Yennefer được phát hiện tài năng và cho theo học phép thuật tại Tissaia de Vries  (tập 2).

Khoảng 40 năm trước: Yennefer đã hoàn thành khóa huấn luyện của mình.Tuy nhiên, vì không muốn phục vụ cho vua của Nilfgaard, Yennefer đã đánh đổi khả năng có con của mình để trở nên xinh đẹp hơn nhằm quay về Aedirn, quê nhà của mình (tập 3).

Khoảng 25 – 30 năm trước: Là thời điểm diên ra sự kiện “Gã đồ tể ở Blaviken” ở tập 1. Lúc này, Geralt tàn sát cả nhóm của phù thủy Refri, và sau đó bị người dân đuổi khỏi Blaviken.

Khoảng 20 – 25 năm trước: Geralt đối đầu với quái vật Striga, tuy chiến thắng nhưng vẫn bị thương khá năng. Anh được được Triss kịp thời cứu chữa (tập 3). Vì thế, mặc dù cảnh Yennefer thay đổi hình dạng và trận chiến giữa Geralt với Striga được xuất hiện trong 1 tập, nhưng thực ra lại diễn ra cách nhau 20 năm.

13 năm trước: Geralt hộ tống Jaskier đến lễ hội do Nữ hoàng Calanthe tổ chức.

Tại đây, Geralt đã cứu hôn thê của công chúa Pavetta, sau đó được trả ơn bằng “món quà bất ngờ” trói buộc mình với đứa con còn chưa ra đời (chính là Ciri sau này) của công chúa (tập 4).

Khoảng 10 năm trước: Trong lúc tìm cách cứu người bạn đồng hành Jaskier khỏi sự tấn công của thần Djinn, Geralt đã gặp được phù thủy Yennefer (tập 5).

Tại thời điểm này, dòng sự kiện của Geralt và Yennefer chính thức nhập làm một. Phim lúc này chỉ thể hiện hai thời điểm khác nhau là: Hiện tại (khi có Ciri) và quá khứ (khi có Geralt + Yennefer).

Khoảng 10 năm trước: Geralt và Yennefer đi “săn” rồng vàng (tập 6).

Năm 1263: Cintra sụp đổ, nữ hoàng Calanthe tự sát, Ciri chạy trốn thành công (tập 1). Lúc này, cả 3 dòng thời gian chính thức nhập làm một.

Sau khi Cintra sụp đổ: đây là khoảng thời gian Ciri chạy trốn và tìm kiếm tung tích của Geralt. Những cảnh này được xuất hiện không liền mạch từ tập 1 đến tập 7.

2 tuần sau khi Cintra sụp đổ, diễn ra trận chiến của hiệp hội phù thủy với đội quân Nilfgaard ở đồi Sodden.

Đến cuối cùng ở cuối tập 8, trong một sự tình cờ, Ciri đã gặp được Geralt , đúng như lời tiên tri mà phù thủy Renfri đã nói với Geralt trong tập 1.

Trúc và DG