Cảm nhận phim Người Da Đen Cuối Cùng Ở San Francisco (2019)

Phim Người Da Đen Cuối Cùng Ở San Francisco (tựa gốc: The last black man in San Francisco) có IMDb 7.3 , đây là một phim đẹp và hay, nếu bạn cảm nhận được nó. Thể loại tâm lý xã hội không dành cho giải trí như hầu hết những phim hay sách mà tôi review. Sau khi xem xong thì bạn sẽ không cảm thấy vui vẻ hay thanh thản đâu, nhưng chắc chắn rằng trong tim bạn sẽ còn đọng lại gì đó, cái thứ còn đọng lại ấy sẽ theo bạn một thời gian dài, nó giúp mắt bạn sáng hơn, tim bạn nhiều cảm xúc hơn, và có lẽ nhờ đó mà bạn biết giữ gìn những hạnh phúc đang có lâu dài hơn.

Xem thêm:

Cảm nhận phim Người da đen cuối cùng ở San Francisco (2019)

Nhân việc viết về phim này thì tôi nhắc lại phim Người Mohicans Cuối Cùng vì cả hai có tính tương đồng, phim kể về thời kỳ châu Mỹ mới được tìm ra, khi ấy các quốc gia châu Âu giành giật nhau tân lục địa, họ mang đến thứ “văn hóa” mới, “sự văn minh”, vật chất và súng đạn; họ làm những con người trên tân lục địa bị biến chất, khiến dân bản xứ rời bỏ tình yêu thiên nhiên, lòng chân thành. Trong bối cảnh ấy vẫn có một người Mohicans giữ được trọn vẹn linh hồn, ông chiến đấu vì những phẩm chất cao quý còn tồn tại, nhưng sau ông thì có lẽ cái phẩm chất ấy sẽ biến mất mãi mãi.

Ngày xưa là thế, ngày nay thì sao? Hãy nhìn vào thành phố San Francisco trong phim, không khí ô nhiễm, rác, tội phạm, ma túy, những khuôn mặt da trắng lạnh cứng lướt qua nhau, những băng nhóm da đen phun ra những từ vô nghĩa và bạo lực. Thành phố là một mớ hỗn độn của những con người vô hồn, điên loạn, ngơ ngác. Nếu điều mà người dân bản địa ngày xưa phải làm là chống lại kẻ thù chiếm lấy đất đai họ, thì thứ mà những con người thật sự yêu San Francisco ngày nay phải làm là giữ lấy linh hồn, trái tim, ước mơ và khát vọng của mình. Kẻ thù của con người hiện đại thì không có hình hài, chúng trừu tượng, chúng được gọi bằng những cái tên ví dụ như sự vô cảm, sự thờ ơ, sự tha hóa, sự đam mê vật chất, bạo lực, tham lam.

Cảm nhận phim Người da đen cuối cùng ở San Francisco (2019)

Jimmie yêu ngôi nhà đẹp trong nội thành mà anh từng sống lúc nhỏ với gia đình, còn lúc này, mọi thứ đều tan tác, anh phải sống nhờ ở nhà bạn là Mont – một nghệ sĩ nghiệp dư. Hai người họ thường xuyên đến ngắm ngôi nhà từng là nhà của Jimmie, cứ mỗi lần ngắm nhìn thì Jimmie đều thấy đau lòng khi chủ hiện tại chẳng bao giờ chăm sóc nó, nó ngày càng tàn tạ hơn. Mơ ước lớn nhất của Jimmie là có lại được ngôi nhà mà ông của anh đã xây đó. Anh thường tìm cách lẻn vào để sơn phết lại dù không hề sở hữu.

Phim có nhiều cảnh quay rất đẹp và ý nghĩa, cái đẹp của không gian hòa trộn với cái bản chất trống rỗng của con người, nó tạo nên ảo giác San Francisco như một thành phố hoang vu không người. Cảnh ngoại ô, người da đen đứng trên bục diễn thuyết một mình, trước anh không hề có một khán giả nào, lời anh tràn đầy tâm huyết nhưng nó trở thành độc thoại vọng vào hư không. Cảnh một nhóm da đen trẻ, ăn vận sốc nổi, hình xăm khắp người, lời nói tục tĩu vô nghĩa. Cảnh ông già da trắng trần truồng đón xe bus, rồi một đám loi choi nhốn nháo dừng lại cười chê, nó mang tính mĩa mai, sự lố bịch cười sự lố bịch. Cảnh một người vô gia cư hát bài “San Francisco” – một bài hát cực đẹp về tình yêu dành cho thành phố này, tình yêu đó cũng trở thành vô gia cư.

Cảm nhận phim Người da đen cuối cùng ở San Francisco (2019)

Nếu là một cư dân nhiều tuổi của thành phố này, tôi sẽ nhớ lại cái thời mà những con người đầu tiên đặt chân tới, họ háo hức, họ hạnh phúc vì tìm được vùng đất mới bình yên – nơi họ sẽ xây ngôi nhà dành cho họ và con cháu họ, ta sẽ thấy họ chăm chút từng li cho cánh cổng và cho khu vườn. Điều đó thì ngày nay hoàn toàn biến mất, thứ còn lại trong họ là sự sở hữu về một đồ vật chứ không phải “nhà”, “nhà” chỉ còn là thứ tài sản có thể bán đi nếu cao giá, thứ mà con cái giành giật nhau khi cha mẹ chết. Con người ngày nay như ông già trần truồng vì chẳng có gì được giữ lại trong tim họ dù là kỷ niệm, giống ông chú da đen trên chiếc xe cũ, giống những thanh niên da đen nói lời sáo rỗng, giống chủ ngôi nhà khi ra đi đã bỏ lại những quyển sách kinh điển – thứ tạo nên nền văn minh nhân loại, giống gã du côn da đen tốt bụng bị bắn chỉ vì cố tỏ vẻ anh là dân chơi thứ thiệt.

Chỉ còn có Jimmie là yêu ngôi nhà từng là của gia đình anh, hoặc nói cách khác thì chỉ có anh là người duy nhất thật sự yêu San Francisco, bởi những kỷ niệm về gia đình, về mọi thứ anh từng có là còn đong đầy, anh như van xin họ bán cho anh ngôi nhà nhưng họ “rất tiếc”, vì họ cần tiền còn anh thì chỉ có “trái tim”. Một người như thế lại bị đẩy ra khỏi nhà, khỏi thành phố và phải ở nhờ. Cuộc sống có rất nhiều sự thật khiến ta đau lòng, cuối cùng thì điều mà anh hằng tin tưởng – điều níu kéo anh giắn bó với “nhà” cũng không còn. Vậy là anh chính thức trở thành “vô gia cư” và “vô gia đình” kể cả trong hiện thực và trong cả tâm hồn.

Trên chiếc xe Bus, Jimmie nói với cô gái bảo là ghét San Francisco rằng “chị không được ghét nó trừ khi chị yêu nó“, vì chỉ những ai từng yêu điều gì đó thì mới cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy điều mình yêu đang bị hủy hoại rồi mới trở nên căm ghét. Kẻ chưa từng biết yêu thì không đủ tư cách để nói đến từ “ghét”.

Hãy luôn tỉnh thức, để bảo vệ những gì bạn đang có, chúng có thể là ngôi nhà, là tình yêu, là bạn hữu. Nếu không thì ngày nào đó bạn sẽ không biết mình sẽ đi đâu và về đâu, như cảnh cuối cùng của bộ phim.

Minh Chí

Từ khóa: Review phim Người Da Đen Cuối Cùng Ở San Francisco, đánh giá The last black man in San Francisco

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here