Review và giải thích ý nghĩa phim Parasite (Ký Sinh Trùng 2019)

Phim Parasite, giống như “The Host” hay “Snow Pierce”, đào sâu vào cách biệt giàu – nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội (Hàn Quốc nói riêng, và bất cứ quốc gia nào nói chung). Giàu và nghèo, có tất cả và không có gì cả, trên cao và dưới thấp, ánh sáng và bóng tối, mênh mông và chật chội, ngây thơ và toan tính… Khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều những phạm trù đối lập xuất hiện trong bộ phim này, nhiều tới độ, bản thân bộ phim giống như một cuốn sách về sự đối lập vậy đó. Lưu ý bài viết review và ý nghĩa phim Ký Sinh Trùng (Parasite) tiết lộ nhiều tình tiết trong phim, vì vậy nếu chưa coi phim thì hãy lưu lại để coi xong thì vào đọc. Nếu đã coi phim rồi và chưa hiểu thì tiếp tục.

Xem thêm:

Sự đối lập giữa bối cảnh sống và giai cấp xã hội thể hiện trong “Parasite” xoay quanh góc nhìn về “sự giàu có” của gia đình bốn người nhà Ki-taek. Đây thực sự là một gia đình thú vị theo cách châm biếm đầy hài hước và cay đắng.

Nhà Ki-taek sống trong một căn hộ dưới tầng hầm, làm nghề dán vỏ hộp pizza với tiền công bèo bọt để kiểm sống trong họ đều đang ở độ tuổi lao động. Người bố Ki-taek, theo như giới thiệu từ những khung hình đầu phim từng là một vận động viên, ông thậm chí còn từng dành huy chương. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ở độ tuổi trung niên, ông ta sống chen chúc cùng vợ con trong một căn hộ nằm ở đáy của đáy thành phố, nơi mà một người đi đường say xỉn cũng có thể tè bậy vào nhà họ qua ô cửa sổ sát mặt đất. Cuộc sống đắp đổi giật gấu vá vai ấy cứ tiếp nối ngày qua ngày cho tới khi cậu bạn của người con trai cả sắp đi du học mang đến cho gia đình này một tảng đá phong thủy với ý nghĩa mang lại giàu sang phú quý, và đề nghị cậu con trai tới thay cậu ta gia sư cho một cô tiểu thư nọ, với mong muốn thực sự là nhờ cậu bạn thân “giữ chỗ” hộ mình trong trái tim cô tiểu thư ấy.

Sự kiện ấy mở ra phần thứ hai của bộ phim, với trọng tâm là kế hoạch “đổi đời” của nhà Ki-taek, được lên kế hoạch bởi cô con gái út – “mastermind” của cả gia đình. Trường đoạn này làm mình nhớ đến một cảnh trong bộ phim Hồng Kông mình xem hồi tháng trước có tên “House with a View” cũng có một cảnh cả gia đình cùng đồng tâm hiệp lực cho một mục tiêu lớn. Sự đoàn kết của gia đình trong bộ phim ấy cuối cùng cũng biến gã hàng xóm cơ hội trở thành một cái xác bị ném xuống biển, còn trong “Parasite”, sự hợp lực của gia đình Ki-taek cuối cùng cũng giúp họ thao túng được gia đình nhà Park, một sự thao túng ngầm mà những con người giàu có nhưng ít va vấp với cuộc đời kì không hề nhận ra.

“Người giàu tốt vì họ giàu, hay họ giàu vì họ tốt?” – Câu hỏi của Ki-taek chính là dấu chấm khép lại phần thứ hai của bộ phim, khi cả gia đình họ nhân lúc nhà Park đi dã ngoại mừng sinh nhật cậu con trai mà kéo đến ăn nhậu xay xỉn trong căn biệt thự vắng chủ. Đúng là từ đầu phim, gia đình Park luôn cử xử hòa nhã, đối đãi rộng rãi với gia đình Ki-taek, họ nghe bất cứ điều gì mà gia đình này nói ra, không mảy may nghi ngờ hay tò mò tính xác thực. Kế hoạch của cô con gái nhà Ki-taek cũng được xây dựng trên sự cả tin này, và thành công rực rỡ cũng nhờ nó. Gia đình Park ngây thơ đến nực cười. Cứ như thể cuộc sống giàu sang về vật chất chính như một môi trường vô trùng đầy an toàn nuôi dưỡng họ quá lâu, khiến họ mất đi hoàn toàn sức đề kháng trước sự tấn công của hiện thực khắc nghiệt trong dáng hình của gia đình bốn người kia.

Đến thời điểm này của bộ phim, mình khá chắc chắn “parasite” là ám chỉ điều gì.

Quay lại với câu hỏi lớn. Tốt vì giàu hay giàu vì tốt, gia đình Ki-taek ngay lập tức đã được đặt vào một tình huống thử thách để tìm ra câu trả lời. Người quản gia đã bị đuổi đi bỗng chốc xuất hiện trong đêm mưa gió, xin được vào trong nhà để lấy món đồ bà ta để quên dưới tầng hầm. Sự xuất hiện trở lại của người quản gia này mở ra phần thứ ba của bộ phim, khi gia đình Park – hiện thân của tầng lớp thượng lưu tạm thời rút khỏi bộ phim, nhường lại sân khấu cho những người cùng một giai tầng và những vấn đề của riêng họ. Nếu phần thứ hai của phim làm mình thích thú vì kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, thì phần thứ ba của phim lại khiến mình hồi hộp vì sự vô kế hoạch của nó. Và khi con người hành động không có kế hoạch hay phán đoán cụ thể, thì thứ dẫn dắt họ tiến về phía trước chính là ham muốn và bản năng.

Ban đầu, người quản gia cũ cư xử với gia đình Ki-taek như những người cùng cảnh ngộ – nghèo khổ, phải đi làm thuê cho nhà chủ để kiếm tiền nuôi thân. Sự cảm thông này nhanh chóng bị xóa bỏ, và câu chuyện trở thành trận chiến giành thế thượng phong – một cái “thế thượng phong” khó hiểu khi cả hai bên đều phải lén lút. Điểm chung duy nhất giữa họ chỉ là ngày qua ngày họ đều bí mật “chấm mút” một chút từ gia đình nhà Park để vun vén cho bản thân mình.

Phim Parasite cũng đặt ra một ranh giới. Tiến đến ranh giới đó, bạn là người mưu cầu no ấm và hạnh phúc, đặt chân lên ranh giới đó bạn là kẻ sa ngã, còn vượt qua ranh giới đó, bạn rơi. Cũng không phải điều gì đặc sắc đúng không? Nhưng cách mà Bong Joon-ho thể hiện “cú rơi” đó lại khiến khán giả theo dõi bộ phim của ông cảm thấy đăng ngắt trong lòng.

Gia đình Park phải bỏ dở chuyến cắm trại vì trời mưa, quay trở về nhà trong đêm. Tình huống bất ngờ ấy đặt nhà Ki-taek vào một cuộc chạy trốn khổ sở và nhục nhã. Họ thoát ra được khỏi ngôi nhà, chạy chân trần trong cơn mưa, xuống ga tàu điện ngầm, xuống hết bậc thang này đến bậc thang khác để trở về ngôi nhà của mình. Nước mưa rơi xuống từ trời, thấm ướt khoảng sân vườn của biệt thự nhà Park, chảy theo đường đồi thoải xuống lối đi dưới ga tàu điện ngầm, rồi qua các rãnh nước, các đường cống ngầm, cuốn theo mọi thứ bẩn thỉu bụi bặm ở phía bên trên. Ba người nhà Ki-taek cũng chạy cùng hướng với dòng chảy ấy để về ngôi nhà của mình. Cứ như thể cơn mưa kia cũng đang cố gắng cuốn họ đi khỏi thế giới thượng lưu trên những quả đồi cao kia như người ta cố gắng rửa trôi rác bẩn.

Trường đoạn chạy trốn ấy, kết thúc bằng cảnh trong ngôi nhà ngập khép lại phần thứ ba của “Parasite”. Gia đình Ki-taek giống như chú nhện trong bài đồng dao con trẻ, Con nhện trèo lên máng nước, trèo mãi trèo mãi. Rồi một cơn mưa lại cuốn nó về điểm bắt đầu.

Sau cơn mưa là một ngày quang đãng đẹp trời. Gia đình Park quyết định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho con trai họ. Và đây chính là lúc khán giả thấy được mép vực sâu hoắm ngăn cách giữa hai giai cấp – trên cùng và dưới cùng của xã hội. Bữa tiệc trong vườn không chỉ ê hề đồ ăn thức uống, nó còn quy tụ ở đó những gia đình thượng lưu khác, có ca sĩ hát opera, có những câu chuyện mà cả đời gia đình nhà Ki-taek cũng chẳng nói với nhau. Nhà Ki-taek vốn tự đắc họ nắm thóp được gia đình nhà Park, lừa đảo và kiếm tiền được từ họ, nhưng hóa ra đến phút sau cùng, những tổn thất mà họ gây ra cho gia đình thượng lưu kia lại chẳng bõ bèn gì. Ngược lại, bản thân họ vì cố gắng đeo bám nó mà đã tự sa vào vũng lầy không lối thoát, đánh mất cùng lúc cả nhân tính và chuỗi ngày sống thanh bần bên nhau.

Nói Bong Joon-ho làm “Parasite” để bênh vực người giàu vạch tội người nghèo cũng chẳng đúng, mà bảo là vạch tội người giàu thương cảm người nghèo lại càng đâu đâu. Nhưng chắc chắn bộ phim này nhắc nhở khán giả xem nó rằng có những giới hạn không nên vượt qua, mọi tội ác đều phải trả giá trước thứ công lí mang tên nhân – quả… và có lẽ con người sống tốt nhất khi là chính họ dưới ánh mặt trời chứ không phải núp dưới thứ vỏ bọc giả dối và bóng bẩy nào.

Những ý nghĩa của phim Ký Sinh Trùng Parasite

Tên phim Ký Sinh Trùng

“Ký sinh trùng” dễ hiểu nhất là sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển. Trong phim thì dễ thấy nhất là gia đình ông Kim sống bám vào gia đình ông Park. Nhưng ở cái nhìn rộng hơn, từng thành viên nhà Park cũng là 1 dạng ký sinh.

Đứa con gái ký sinh vào tình yêu dành cho một người mới vừa quen, nó có thể tâm sự được thay vì nói chuyện cùng ba mẹ. Bà vợ ký sinh vào ông chồng. Ông chồng ký sinh vào địa vị và tiền tài.

Bên cạnh đó, cơn mưa là một hình ảnh vô cùng xuất sắc. Nó cho thấy thực chất con người cũng chỉ là loài ký sinh trên trái đất. Chỉ cần một cơn mưa lớn thì gia đình ông Kim tan hoang, còn gia đình ông Park cũng phải hủy mọi kế hoạch đặt ra.

Nhìn lại đi, có phải chúng ta đều là những ký sinh không? Nhỏ thì sống nhờ cha mẹ, lớn lên thì nhờ công ty, sếp thì phải ký sinh vào khách hàng, nghèo ký sinh giàu, nhưng nếu không có nghèo thì ai làm việc cho người giàu để họ ngồi hưởng thụ.

Poster với những gạch che mắt

Ý nghĩa của những gạch che mắt này chính là dù giàu hay nghèo thì con người vẫn đang bị che mắt mà sống. Giàu thì nhìn thấy đâu đâu cũng trắng, nghèo thì nhìn thấy cái gì cũng đen tối, tiêu cực.

Cơn mưa xuống thì người nghèo kêu là thảm họa, người giàu gọi là thanh tẩy tươi mát. Như chúng ta, khi mưa xuống có người ngồi làm thơ nhớ bồ cũ thì có người lo tất tả chạy cùng gánh hàng rong.

Vì dải băng che mắt đó, nên không ai thấy được nổi khổ tâm, vất vả của người khác và điều đó tạo nên tất cả những bi kịch của cuộc đời này.

“Anh chắc rằng vẫn yêu vợ mình chứ?”

Câu này ông Kim hỏi ông Park 2 lần, một là sau khi bà Park sợ hãi nói chồng sẽ giết mình nếu biết mình mướn người ho lao vào làm việc, hai là sau đêm ông Kim “nghe” thấy hai vợ chồng ông Park làm tình.

Vụ này liên quan đến cảnh bị cắt ngắn khi ra rạp ở Việt Nam, đó là cảnh làm tình trên ghế sofa và gia đình Park chỉ làm bằng tay cho nhau.

Điều này rất khác với cách mà ông Kim yêu thương vợ của mình, họ chia sẻ, bảo vệ nhau, thậm chí nói nhau là con gián, rồi cầm áo đe dọa đánh nhau, nhưng đùng ra rằng họ yêu thương và ngang hàng nhau, còn gia đình ông Park yêu thương theo kiểu quá khác biệt, thành ra ông Kim luôn thắc mắc và muốn hỏi rằng những thứ ông Park làm có thật sự là tình yêu dành cho vợ mình không?

Những dấu chỉ của sự nghèo

Cái nghèo ngập trong phim và không chỉ nằm ở “mùi” như đã diễn tả.

Gia đình ông Kim khui bia ăn mừng chỉ vì lý do là đã tìm được wifi. Khi làm giả giấy tờ, họ ngụy biện rằng họ không sai, chỉ là đang làm trước việc sẽ xảy ra, ngụy biện chối bỏ lỗi sai của mình. Khi thấy có người đụng vào gia đình họ thì đùng đùng cầm đá đòi đập chết người ta. Họ nghĩ rằng người giàu ngu ngốc, ngờ nghệch. Họ sống “không có kế hoạch”… Rồi khi xảy ra cơn mưa, thứ ông Kim cầm theo lại là những huy chương của vợ mình từng có, một kiểu sống bám vào quá khứ vẻ vang rất quen thuộc… và dùng cái nghèo làm khiên cho mọi sai phạm của mình. Vì nghèo nên tôi làm gì cũng được.

Quen không? Vâng, hãy ra đường và nhìn vào xã hội Việt Nam hiện tại, những cảnh như vầy chắc không thiếu.

Cục đá trong phim, theo tôi nó đại diện không phải là cái nghèo đeo bám họ, mà nó đại diện cho lối suy nghĩ rằng “mình phải cố gắng giàu theo cách người ta đã giàu.”

Nó được người giàu tặng lại cho người nghèo vì muốn rằng họ sẽ giàu có lên, rồi cũng từ đó, cái ý nghĩ rằng phải giàu luôn đeo bám người nghèo. Y như khi chưa giàu, người ta cố gắng đọc những cuốn sách dạy làm giàu và ngây thơ tin rằng những kẻ giàu sẽ chỉ hết các bí quyết họ đã làm giàu ra sao trong sách.

Họ làm giàu bằng cách của người giàu đã làm. Thay vì lựa chọn đi bán pizza, họ lại đi làm gia sư theo sự sắp xếp của người giàu, cơ hội để lại từ người giàu vì người giàu phải “đi học” để giàu hơn. Tức là ngay từ đầu, họ đã không đi con đường của họ mà đi bằng con đường của người ta đã từng đi. Và mém chết vì hòn đá đó.

Vì vậy, chỉ đến khi họ đặt hòn đá lại vào nước, quăng nó đi và tự đi bằng con đường của họ thì lúc đó họ mới bắt đầu khá lên.

Ừ, rất quen ở Việt Nam.

Những người giàu

Người giàu trong phim được che đậy nỗi khổ khéo hơn và sâu hơn, vì cũng như cuộc đời này, người giàu khóc thì người ta sẽ nói, giàu như nó thì có cái gì mà khổ.

Nhà ông Park, thiếu tình yêu thương và sự bình đẳng trong gia đình kinh khủng. Sự trọng nam khinh nữ thể hiện ra rõ trong gia đình.

Bà Park sợ hãi chồng, coi chồng là bề trên để phục tùng. Cô con gái thiếu tình cảm yêu thương, ganh tỵ với em trai vì được ba mẹ quan tâm hơn. Một phân cảnh đối lập được đưa ra vô cùng hoàn hảo khi hai đứa con nhà ông Kim dắt nhau vào nói dối bà Park để xin việc làm, thì bên trong, con gái nhà Park đánh đứa em trai rồi sau đó ngồi kể tội đứa em trai với người ngoài, nói rằng mình ghét nó ra sao. Và người giàu, họ cũng cãi nhau, sứt mẻ tình cảm vì một tô mì ban đêm. Đâu phải cứ nghèo thì mới giành nhau miếng ăn.

Một bên nghèo nói dối để bảo vệ nhau kiếm sống, một bên giàu nhưng nói thật cảm xúc của mình ra để tổn hại người thân.

Vợ chồng ông Park luôn tỏ vẻ đạo mạo, trang nghiêm, họ ghê tởm với hành vi của anh tài xế nếu anh làm tình sau ghế xe hơi họ. Để rồi khi cao hứng, họ nói với nhau rằng cảm giác này giống ghế sau xe hơi không, em có mặc cái quần lót rẻ tiền đó không, anh mua thuốc cho em đi… Họ thèm khát sự yêu đương hoang dại đó, nhưng chưa bao giờ dám thổ lộ.

Người giàu, nỗi khổ của họ chính là việc chưa bao giờ được sống thật với cảm xúc của mình.

Không có kế hoạch thì không sợ thất bại

Câu này chắc nhiều người tâm đắc, nhưng nghe nó vô cùng sai. Nó là kiểu ngụy biện của những người sợ thất bại rồi không dám làm bất cứ điều gì, cứ sống bừa bãi, hoang phí cuộc đời.

Để ý đi, vợ ông Park, dù là người bị đánh giá ngờ nghệch nhất phim cũng biết gọi điện về dặn nấu mì cho con mình ăn, nếu bây giờ nấu thì 8 phút sau là có thể ăn được. Người giàu luôn có kế hoạch và tính toán cho cuộc đời họ.

Khi cơn mưa xảy ra, không thể cắm trại, họ tính đến việc mai sẽ làm một buổi tiệc ngoài trời khác và nghĩ ngay rằng sẽ đi đâu, mua gì, gọi cho tài xế, trả thêm giờ, mời bạn bè… những thứ đó dù nhỏ, nhưng đều nằm trong tính toán của họ. Họ giàu vì sống một đời có kế hoạch, còn người nghèo thì “không cần kế hoạch” ra sao thì ra.

Và mỉa mai rằng, khi người nghèo muốn cứu cuộc đời của họ thì việc đầu tiên họ nói với nhau rằng, “con đã có một kế hoạch” và bắt đầu bằng cách đi bán pizza, thứ mà đáng lý ra từ đầu họ phải làm, là con đường riêng của họ.

Ấn ý chính trị trong phim Ký Sinh Trùng

Nếu đoạn sau mọi người đọc phụ đề tiếng Anh sẽ thấy nhạo báng Bắc Hàn với tên lửa và Great Leader, thì đoạn đầu cũng đầy mỉa mai.

Khi ông Kim nói rằng, dưới vĩ tuyến 38 (Parallel 38) này thì chỗ nào ông cũng biết. Vĩ tuyến 38 là dãi phân cách Nam Hàn – Bắc Hàn. Cũng như tới giờ, rất nhiều người vẫn còn nhớ đến… Vĩ tuyến 17 đó thôi.

Trong phim nói khá nhiều về việc “không đi quá giới hạn” (cross the line) và nhân vật chính không phải vô tình mà tên Kim. “Mr. Kim never cross the line, but his smell…” mùi của ông Kim đã phủ khắp nơi dù đúng là ông ta không đi quá giới hạn.

Và cũng không tự nhiên mà nhân vật gia đình nhà giàu lại họ Park, khi ông Park Chung Hee là tổng thống đã tạo ra kỳ tích sông Hàn, đưa Hàn Quốc đi lên, nhưng rồi đến bà Park Geun-hye là tổng thống đầu tiên bị phế truất, nguyên nhân chính liên quan đến việc… “tham nhũng” một biến tướng của cái giàu.

Nói chung, phim Ký Sinh Trùng thì nên coi nhiều hơn một lần và để ý nghe kỹ hơn, cũng như là nhìn vào phụ đề tiếng Anh thì sẽ thấy nó… xuất sắc hơn.

Cả khúc cuối, “So long”… không nên dịch là “Tạm biệt”.

Qua Cả Kỳ Diệu và Nguyễn Ngọc Thạch