Thế hệ 8x 9x chắc chẳng ai xa lạ với hình ảnh cậu bé Christopher Robin và chú gấn Winnie-the-pooh đáng yêu, sống động trong những thước phim của Walt Disney. Nhưng ít ai tự hỏi câu chuyện về cậu bé ấy bắt đầu như thế nào. Giống như “Saving Mr.Banks” kể về cách mà Mary Poppins trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất của Disney, câu chuyện của “Goodbye Christopher Robin” kể về hoàn cảnh mà cái tên Christopher Robin xuất hiện cùng với cậu bạn Winnie-the-Pooh làm mưa làm gió trên bao kệ sách từ London đến New York. Để rồi, cái tên ấy chiếm một vị trí trong trái tim bao nhiêu đứa trẻ mãi đến tận bây giờ.

Nhưng không chỉ có vậy, Goodbye Christopher Robin còn là câu chuyện của một tuổi thơ, là con đường trưởng thành của một câu bé được cho là “may mắn”, là câu chuyện của chiến tranh, của những bài học dành cho người lớn.

Sinh ra trong một gia đình mà người mẹ chưa sẵn sàng, một người bố đang đấu tranh với hội chứng PTSD sau khi trở về từ chiến trường, Christopher Robin lớn lên trong vòng tay Olive, người vú em của gia đình. Tuổi thơ của Billy Moon gắn liền với những câu hỏi đã được mặc định câu trả lời, những luật lệ bất thành văn như khi bố cậu làm việc thì không được bắt chuyện, không được làm phiền, không được thế này, thế kia.

Như bao đứa trẻ khác, Billy Moon cũng khao khát muốn được thoả sự tò mò của mình, mở rộng đôi mắt ra tới tận khu rừng 100 acre ngoài cửa. Và điều đó đã thành hiện thực khi mẹ của cậu bỏ đi giữa lúc bố cậu bế tắc với bản thảo của một quyển sách “chống chiến tranh” vô vọng; và cô vú nuôi cũng trở về nhà thăm người mẹ bị bệnh.

Ở một mình cùng người bố hiếm khi trò chuyện, Billy Moon dần có lại được tuổi thơ của mình với những trò chơi, những buổi chiều đong chân trên cây, hay những ngày chỉ ngồi trò chuyện với những người bạn bằng bông của mình. Để rồi từ bao hình ảnh và một lời hứa viết nên một quyển sách cho con trai, Milne tạo nên một “khu rừng trăm mẫu” đầy màu sắc của niềm vui, đủ cung bậc của hạnh phúc với hình ảnh chính cậu con trai của mình cùng chú gấu Pooh và những người bạn khác. Nhưng đó, cũng chỉ là bắt đầu cho một chương khác của cuộc đời Christopher Robin.

Quay cuồng với báo chí, với những cuộc phỏng vấn, những tấm ảnh chụp sắp đặt, những buổi tiệc mà cậu chẳng nhớ nổi tên bất kỳ ai; khi ai cũng nghĩ cậu là cậu bé may mắn nhất thế gian thì chỉ mình cậu rõ ràng nhất cảm giác của chính mình. Rồi sự mất mát người thân, mất đi chính niềm vui đã từng là của mình, Billy Moon chối bỏ chính cái tên “Christopher Robin” của mình. Với cậu, và những người bên cạnh, cậu chỉ là Billy Moon, hay như Milne chỉ là Blue của cậu. Đến trường nội trú, rồi tiếp tục bước chân của bố mình đi ra chiến trường, tôi nghĩ Billy nhận ra mọi thứ xảy ra đều có lý do của chính nó.

“Và bố đã chỉ ra cho họ thấy hạnh phúc khi tất cả những thứ khác đều đang trên vực đổ vỡ, cho họ biết tuổi thơ của một đứa trẻ nên là thế nào”.

Chiến tranh để lại quá nhiều nỗi đau, quá nhiều mất mát, để rồi một quãng thời gian dài nhiều người quên mất hạnh phúc vốn có hình dáng như thế nào. Câu nói cuối phim của Billy Moon có lẽ đã tóm gọn lại hết một câu chuyện dài về cuộc đời của cậu, hay của rất nhiều người khác nữa. Dù cho có bao nhiêu sự thật, có bao nhiêu câu chuyện bên lề sẽ được kể lại sau khi bộ phim ra mắt, thì cũng không thể phủ nhận được niềm vui mà quyển sách ấy đã mang lại cho biết bao đứa trẻ.

“Tuổi thơ của con, đã rất tuyệt vời. Trưởng thành mới là khó khăn.”

Và như Billy nói, tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi ấy dù đã được bán đi, được dùng để tạo nên lợi nhuận và danh vọng, để lại biết bao nhiêu những vết sẹo lớn nhỏ trong ký ức của không chỉ mình cậu; thì trước khi là của bất kỳ ai khác – chúng chỉ là của cậu. Những thứ, chỉ thuộc về một mình cậu. Có lẽ ít hay nhiều, điều đó, đã là nhiều. Câu chuyện chính là khắc hoạ một khoảng thời gian ngập trong hạnh phúc để nói lên phần tối phía sau của một gia đình, của cả một giai đoạn lịch sử.

Hơn tất cả, đây có lẽ không phải là một bộ phim dành cho trẻ em, mà là dành cho những người sắp là người dẫn đường cho những đứa trẻ, để nhắc cho họ biết mỗi bước đi. Mỗi quyết định của họ đều sẽ có ảnh hưởng lên chính đưá con của mình và cho cả tương lai nữa. Chúng ta đều từng là những đứa trẻ, nhưng khi có những đứa trẻ của chính mình liền quên mất, điều người lớn muốn chưa chắc là điều đứa trẻ mong. Chúng ta nghĩ rằng đang dành điều tốt nhất cho con của mình, nhưng quên mất không nhìn xem đó có phải điều nó muốn hay không.

“Hãy tìm một điều mình muốn làm, và giữ lấy nó. Một người nên làm những điều họ yêu, với người yêu thương của họ”

Diễn biến phim “Goodbye Christopher Robin” có phần hơi chậm đối với những ai mê phim hành động bắn đại bác, nhưng vừa đủ để ngồi ăn hết miếng bánh uống hết ly trà. Những cảnh quay khắc hoạ tuổi thơ của Billy Moon đã trở thành cảm hứng sáng tác cho Milne được dựng lên dịu dàng với gam màu vàng cam ấm áp, đúng như cái cảm giác khi mở một trang sách cũ và đọc lại một mẩu truyện từng mê. Phần âm thanh của từng đoạn phim là một điểm nhấn lớn tôn lên cái đẹp của từng cảnh. Thiết nghĩ những đoạn đó cắt ra rồi ghép lại để kể truyện cổ tích cho bọn trẻ con cũng vẫn được.

Một dàn diễn viên có thể dùng từ trọn vẹn để diễn tả. Domnhall Gleeson hoàn toàn khắc hoạ xuất sắc một tác gia đang mệt mỏi đấu tranh với chứng PTSD sau khi quay về từ chiến trường. Những phân đoạn của Gleeson hoàn toàn bắt nội tâm xuất sắc và không thể nào có đủ từ ngữ để nói về Tilson. Cậu bé đã có một màn “chào sân” trên cả tuyệt vời. Nụ cười đáng yêu, một đôi mắt sáng đầy biểu cảm và một giọng nói không thể nào không thương, Tilson thành công khắc hoạ hình ảnh một đứa trẻ hồn nhiên, vui vẻ nhưng vẫn đầy khúc mắc nội tâm giữa từng bước chuyển của cuộc đời.

Và tiếp theo chính là lời khen to bự cho Alex Lawther khi khắc hoạ một cậu trai với đầy giằng xé trong tâm cảm, rồi mỉm cười dịu dàng ngây ngô. Alex chính là một diễn viên đáng trông đợi nhất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Margot Robbie đã làm mưa làm gió với vai diễn Harley Quinn trong “Suicide Squad” hay Tonya trong “I, Tonya” đang nắm 3 đề cử Oscars trong đó có “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.

Nếu bạn đang tìm một bộ phim tâm lý để giật mình nhận ra mình đã mỉm cười rất nhiều rồi tự nhiên rơi nước mắt thì “Goodbye Christopher Robin” là một bộ phim dành cho bạn. Nhìn chung mức điểm 7.1 của IMDB và 6.2 trên Rotten Tomatoes là hoàn toàn xứng đáng.

Lion

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
7.9
Diễn Viên
7.8
Hình Ảnh
8
Âm Nhạc
7.8
review-phim-goodbye-christopher-robin-2017Hơn tất cả, đây có lẽ không phải là một bộ phim dành cho trẻ em, mà là dành cho những người sắp là người dẫn đường cho những đứa trẻ, để nhắc cho họ biết mỗi bước đi, mỗi quyết định của họ đều sẽ có ảnh hưởng lên chính đưá con của mình, và cho cả tương lai nữa.