Review phim Green Book (Oscar 2019) đề tài cũ với góc nhìn mới

Review phim Green Book, tác phẩm đưa ra một góc nhìn mới mẻ trong một câu chuyện với tiếng cười đau đớn, thấm thía trong nỗi đau của sự phân biệt màu da, giới tính và giai cấp.

Phim Green Book không có vẻ đẹp lấp lánh như “Roma”, đề tài cũ, cách thể hiện cũng không có gì mới hay đặc sắc ấn tượng trong thủ pháp nghệ thuật. Vậy điều gì khiến Viện Hàn Lâm trao giải Phim hay nhất Oscar 2019 cho Green Book? Có lẽ vì đạo diễn đã tinh tế đưa ra một góc nhìn mới mẻ về một câu chuyện với tiếng cười đau đớn, thấm thía trong nỗi đau của sự phân biệt màu da, giới tính và giai cấp.

Green Book chiến thắng giải Phim hay nhất Oscar 2019
Green Book chiến thắng giải Phim hay nhất Oscar 2019

Xem thêm:

Cho dù có nhiều chỉ trích, cho dù có nhiều cái nhìn khác nhau, cá nhân tôi đánh giá đây là một bộ phim, trước tiên, thể hiện được hết ý đồ của đạo diễn. Qua sự thể hiện rất thành công của hai diễn viên tài năng Viggo Morten và Mahershala Ali, người xem cảm nhận được những cảm xúc chân thực và cả nỗi đau, sự xót xa trong suy nghĩ của từng nhân vật. Đặc biệt lời thoại của phim rất ấn tượng, sâu sắc và chất chứa rất nhiều quan điểm thú vị.

Review phim Green Book

Green Book là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1962, đây là thời kì ở miền nam vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc bởi luật phân biệt giữa da trắng và da màu. Nghệ sỹ Piano người da đen nổi tiếng Don Shirley, muốn thực hiện một chuyến lưu diễn hai tháng trải dài xuống các bang ở miền nam nước Mỹ. Bằng âm nhạc và sự nổi tiếng của mình, Don muốn thay đổi quan niệm của người Mỹ về người da đen. Don Shirley thuê một bảo vệ quán bar người da trắng, gốc Ý, tên là Tony Vallelonga để lái xe kiêm vệ sỹ cho chuyến đi của mình. Và phim Green Book là quyển sách mà Tony phải đọc hết, đây là cẩm nang hướng dẫn những người da đen có thể an toàn khi đi lại ở miền nam.

Khán giả đã quá quen thuộc với hình ảnh nhân vật ông chủ da trắng, người da đen làm nô lệ trên phim. Trong phim này, đạo diễn Peter Farrelly lại kể một câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Green Book được tạo ra từ sự đối lập, Toney Lip – người đàn ông da trắng lại làm tài xế cho người đàn ông da đen Don Shirley – một nghệ sĩ dương cầm giàu có và nổi tiếng. Nhưng đó không phải là tất cả.

Xã hội vẫn thường phân loại con người theo địa lý, vùng miền, màu da, hay giới tính. Con người thường tự tin khi là người giàu sang phú quý nhưng sẽ tự ti về sự nghèo hèn thấp kém. Và như lẽ thường tình, Tony luôn tự cao về nguồn gốc địa vị của mình còn Don luôn tự ti vì màu da, giới tính hay về con người thật của mình. Chính điều đó xây nên những bức tường của định kiến.

Review phim Green Book

Thú vị là khi phim Green Book chỉ ra một góc nhìn mới về phân biệt sắc tộc hay kỳ thị giới tính. Vấn đề không phải ở sự khác biệt mà là sự ngộ nhận. Anh tài xế Tony vẫn ngộ nhận mình là dân da trắng nhưng trên chuyến hành trình, anh nhận thấy thực ra mình “đen” hơn tay nghệ sĩ dương cầm Don.

“Chúa ơi, tôi còn “đen” hơn anh nữa. Còn anh, anh ngồi trên ngai vàng đi vòng quanh thế giới biểu diễn hòa nhạc cho mấy người giàu. Tôi sống trên đường phố. Anh thì ngồi trên ngai vàng. Vì vậy, đúng, thế giới của tôi đen hơn của. “

Review phim Green Book

Còn Don cũng ngộ nhận chỉ có người da trắng mới kỳ thị người da đen, nhưng không phải, chính những người cùng màu da với anh cũng có cái nhìn soi mói chỉ bởi anh khác họ, chỉ bởi anh mặc vest có tài xế riêng, còn họ thì chỉ là nông dân làm việc trên những cánh đồng. Don nhận ra thực chất thì mình trắng hơn gã da trắng Tony nhưng cuộc sống đó khiến anh mâu thuẫn trong nội tâm:

“Đúng vậy, tôi sống ở tòa lâu đài, Tony! Một mình. Và những người da trắng giàu có trả tiền cho tôi để tôi chơi dương cầm cho họ bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy có văn hoá. Nhưng ngay khi tôi bước xuống sân khấu đó, thì với họ tôi cũng chỉ là một thằng da đen khác mà thôi. Bởi vì đó chính là thứ văn hóa thực sự của họ. Và tôi chịu đựng điều đó một mình bởi vì tôi không được chính những người như mình chấp nhận. Bởi vì tôi cũng không giống họ. Vậy, nếu tôi không đủ đen và tôi không đủ trắng và tôi cũng không đủ đàn ông, thì nói cho tôi nghe đi, Tony, tôi là gì?”

Phim Green Book là câu chuyện về hành trình thay đổi định kiến và phá bỏ những ngộ nhận về chính mình. Chuyến hành trình hai tháng đã giúp Tony và Don nhìn ra thế giới nhưng là để soi lại chính mình và thay đổi những định kiến của bản thân.

Chúng ta, ai cũng giống như Tony hay Don, dù là tự tin hay tự ti thì cũng đều là những kẻ ngộ nhận về màu da, sắc tộc và địa vị cũng như con người thật của chính mình. Chỉ cần chúng ta làm tốt việc của mình đó cũng là cách thay đổi những vẫn đề lớn của quốc gia, thế giới. Và bộ phim Green Book cũng đã chỉ ra một quan điểm mà tôi nghĩ là quan trọng trong vấn đề bình đẳng, đó là không phải là sự khác biệt mà là sự ngộ nhận. Chỉ khi con người dũng cảm đập tan bức tường định kiến do chính mình xây nên thì ta hoà bình mới được thiết lập.

Xin trích dẫn lời của đạo diễn Peter Farrelly về bộ phim rất hay và cảm động này thay cho lời kết:

“Tất cả các câu truyện đều xoay xung quanh tình yêu. Bộ phim nói về tình yêu của người này với một người khác cho dù có sự khác biệt (…) Chúng ta hoàn toàn giống nhau”


Góc Điện Ảnh giới thiệu đến các bạn một series dài hơi review tất cả các phim Oscar từ năm 1927 đến nay. Những bài review phim sẽ mang đậm chất cá nhân của tác giả nhưng dưới góc nhìn công minh và khách quan.


Nguyen Huong

CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
8.0
Diễn Viên
8.5
Hình Ảnh
8
Âm Nhạc
7.8
review-phim-green-book-oscar-2019-de-tai-cu-voi-goc-nhin-moiChỉ cần chúng ta làm tốt việc của mình đó cũng là cách thay đổi những vẫn đề lớn của quốc gia, thế giới. Và bộ phim Green Book cũng đã chỉ ra một quan điểm mà tôi nghĩ là quan trọng trong vấn đề bình đẳng, đó là không phải là sự khác biệt mà là sự ngộ nhận.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here