Phim Crazy rich Asians (Tựa Việt: Con nhà siêu giàu châu Á) là bộ phim hài – tình cảm xoay quanh chuyến trở về đảo quốc Sư tử nhằm ra mắt gia đình của Nicholas Young (Nick) – người thừa kế của tập đoàn Young cùng bạn gái Rachel Chu – cô gái gốc Hoa lớn lên tại New York. Mạch phim dựa trên motif của câu chuyện Lọ Lem – hoàng tử đến với nhau dù gặp nhiều cản trở từ gia đình (đại diện là mẹ Nick – bà Eleanor Young).
Motif quen thuộc và những cảnh quay hé lộ cuộc sống hào nhoáng của giới thượng lưu Singapore rất có thể khiến cho Crazy rich Asians chỉ như một bộ phim chiếu rạp “mì ăn liền” như bao bộ phim khác. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, phim còn đem đến những hiểu biết mới và đáng quý về quan điểm sống tưởng như đối lập nhưng thật ra không thể tách rời giữa hai nền văn hóa Đông – Tây – đại diện bởi Eleanor và Rachel.
Mạt chược là một trong những đặc sắc rất Trung Hoa được đưa vào phim và cảnh chơi mạt chược cũng chính là một trong những cảnh “đắt” nhất của phim Crazy rich Asians. Sau khi điều tra được xuất thân của Rachel không giống những gì cô tiết lộ, bà nội và mẹ Nick buộc anh cắt đứt mối quan hệ này. Nick vẫn quyết tâm cầu hôn Rachel, sẵn sàng gác gia đình lại một bên để cùng cô trở về Mỹ. Chưa rõ lời cầu hôn có được chấp nhận hay không, chỉ biết sau đó Rachel hẹn gặp Eleanor bên bàn mạt chược. Đây cũng là nơi những nút thắt giữa Eleanor và Rachel được tháo gỡ hết sức tài tình.
Vị trí của người chơi mạt chược được chia theo bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, trong đó cửa Đông là vị trí của nhà cái, nắm rất nhiều quyền kiểm soát trong ván chơi. Ngay từ đầu, Rachel đã nhường vị trí cửa Đông lại cho Eleanor làm nhà cái, còn mình ngồi cửa Tây làm nhà con. Vị trí ngồi đối nghịch này gợi nhắc đến hai hệ giá trị phương Đông – phương Tây mà Eleanor và Rachel đại diện.
Chiến lược chơi mà Eleanor lựa chọn là tìm những bộ phỗng – tức kết hợp những quân bài giống nhau. “Sự tương đồng” là giá trị mà Eleanor rất đề cao trong cả lối chơi mạt chược lẫn lối sống – điều này đã được bà khéo léo đề cập qua thành ngữ Phúc Kiến “Kaki Lang” – “Our own kind of people”. Những bộ phỗng mà Eleanor liên tiếp tạo nên cũng chính là ẩn dụ cho hình ảnh gia đình mà Eleanor hướng tới: nên được gây dựng và tiếp nối bởi những người tương đồng trong truyền thống, văn hóa, suy nghĩ. Rõ ràng, trong mắt Eleanor, Rachel không thuộc về tập hợp này.
Phim Crazy rich Asians được đẩy đến cao trào khi Rachel bắt được quân Bát sách – quân cờ sẽ giúp cô ù ván bài này, đồng thời đó cũng là quân cờ Eleanor đang tìm kiếm. Phần thắng trên bàn mạt chược lẫn trong đời thực tưởng như đã chắc trong tay khi cô tiết lộ cho Eleanor biết Nick đã cầu hôn cô, sẵn sàng gác gia đình qua một bên nếu họ không chấp nhận mối quan hệ này. Nhưng bất ngờ hơn tất cả, cô đã từ chối. Với Eleanor – một Tiger mom vốn hiếu thắng, không khoan nhượng – hành động rút lui này là không thể hiểu được: “Only a fool folds a winning hand”. Rachel đã ở thế “thừa thắng”, tại sao không “xông lên”?
Nhớ lại cảnh chơi poker đầu phim, bạn hẳn còn nhớ quan điểm của Rachel: Chơi là để thắng, không phải để không thua (“He plays not to lose, I play to win”). “Cuộc chơi” giữa Eleanor và Rachel từ đầu, vốn đã không có người thắng cuộc: “There’s no winning, you made sure of that. Because if Nick chose me, he would lose his family, and if he chose his family, he would spend the rest of his life resenting you”. Với Eleanor, thắng cuộc là kéo được Nick về phía mình; với Rachel, thắng cuộc là bảo toàn được các mối quan hệ khỏi những uẩn khúc đầy bứt rứt của việc chọn lựa một mất một còn. Câu hỏi mà Eleanor luôn canh cánh là: “Mình có giành được gì không?”, còn câu hỏi của Rachel là: “Thứ mình giành được rồi sẽ thế nào? Giành được rồi, nó có còn đúng là thứ mình muốn?”. Cô đã có thể nhận lời Nick, cùng anh về Mỹ, nhưng tôi nghĩ cô thừa hiểu: Nick có thể để lại gia đình, để lại Eleanor nhưng trong lòng anh sẽ không khi nào không nghĩ về họ. Phim Crazy rich Asians nhắc khéo về tuổi thơ của Nick – một tuổi thơ có mẹ nhưng không được sống gần mẹ – đủ để ta hiểu, giờ khi đã lớn và được ở cạnh mẹ thì việc gác mẹ qua một bên chỉ là lựa chọn đường cùng khó mà khiến anh thanh thản.
Ván cờ vốn đã không có chiến thắng, Rachel tất nhiên chọn cách ít gây sát thương nhất cho tất cả mọi người: ra đi. Át chủ Bát sách được Rachel nhường lại cho Eleanor. Eleanor không lý gì bỏ lỡ cơ hội này.
Những lần gặp nhau trước đây, Eleanor luôn nói nhiều, phủ đầu lấn át. Nhưng riêng trong cảnh mạt chược này, lời thoại được nhường lại phần lớn cho Rachel:
“I’m not leaving ‘cause I’m scared, because I think I’m not enough. Because maybe for the first time in my life, I know I am. I just love Nick so much. I don’t want him to lose his mom, again. So I just wanted you to know that one day, when he marries another lucky girl who is enough for you, and you’re playing with your grandkids while the Tan Huas are blooming, or the birds are chirping, it was because of me, a poor, raised by a single mother, low-class, immigrant, nobody.”
Rachel hạ bài. Bài của cô cũng rất đàng hoàng, tử tế, và đáng lẽ cô đã có thể ù trước cả Eleanor nếu giữ lại quân Bát sách kia cho mình.
Đến đây, phim Crazy rich Asians kết thúc rất dễ đoán. Eleanor hồi tâm chuyển ý, còn Rachel và Nick – anh ả đâu lại vào đó. Chiếc nhẫn ngọc lục bảo năm nào Phillip cầu hôn Eleanor nay được trao lại cho Nick cầu hôn Rachel – đây cũng chính là lời chấp thuận đầy ân sủng mà Eleanor gửi tới cô. Câu chuyện của Rachel một lần nữa minh chứng cho phép thử: ““If you love something, set it free. If it comes back to you, it’s yours. If not, it was never meant to be”. Bàn tay không cố chấp níu giữ, cuối cùng lại là bàn tay được nhận lại rất nhiều.
Phim khiến khán giả nhẹ nhõm vì kết thúc có hậu, nhưng để lại một câu hỏi về bước ngoặt dẫn đến kết thúc ấy. Cuối cùng, Eleanor vì đâu mà đổi ý? Có phải Eleanor đã ngả mũ trước khí chất cứng cỏi, tự trọng của Rachel dù xuất thân của cô rất bình thường? Hay bà đành cắn răng nhượng bộ vì sợ mất con?
Muốn biết nút được gỡ thế nào, vậy phải xem nút đã bị thắt ra sao. Eleanor vì đâu không chấp nhận Rachel? Phải chăng vì xuất thân của cô?
Đạo diễn đã để Eleanor ít nhất hai lần xác nhận, mâu thuẫn căn cốt khiến hai người khó sống chung dưới một mái nhà không phải sự khác biệt về gia thế mà là sự khác biệt trong tư tưởng và phông nền văn hóa. Lần đầu tiên, trong lúc cả nhà làm bánh bao, bà đặt vấn đề với Rachel: “I withdrew from university when we were married. I chose to help my husband to run the business and to raise the family. For me, it was a privilege, but for you, you may think it’s old-fashioned”. Lần hai, bên bàn mạt chược, bà không bóng gió nữa mà khẳng định chắc chắn lý do không thể chấp nhận cô: “You’re not our own kind. […] You’re foreigner. American. And all Americans think about is their own happiness.”. Với Eleanor, việc dám sống là chính mình, dám nghĩ cho bản thân và mưu cầu hạnh phúc cá nhân là điều không thể chấp nhận. Cứ như vậy, chiếc nhãn “American” được bà dán chặt lên Rachel – ích kỷ, ương bướng, không biết hy sinh, không biết nghĩ cho người khác.
Nút đã thắt xong, vậy cùng xem tác giả tháo nút thế nào
Tháo nút lần 1: “I don’t want him to lose his mom, again.”
Trước câu nói này của Rachel, Eleanor – dù vẫn chưa thiện cảm với Rachel – nhưng hẳn đã phần nào hiểu được thành ý trong quyết định ra đi của cô vì bà đã trải qua một tình huống tương tự. Khi Nick còn nhỏ, Eleanor biết mình không được Ah Ma ưa nên đã để Nick ở cùng bà nội, còn mình ở riêng một nơi khác để Nick không bị ghét lây. Eleanor mong Nick không phải khổ sở vật lộn nhiều năm trời để được Ah Ma công nhận, giống như bà đã từng. Lý do Rachel đẩy Nick khỏi mình cũng giống như lý do ngày trước Eleanor đẩy anh đi, cả hai đều vì mong tốt cho anh.
Eleanor nghi ngờ Rachel không hiểu gì về những giá trị như truyền thống, gia đình – Rachel cho bà thấy: cô không chỉ thừa hiểu tầm quan trọng của gia đình với Nick mà còn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho gia đình ấy trong anh.
Bạn để ý sẽ thấy từ đầu tới cuối, khuôn mặt Eleanor luôn rất điềm đạm, ít biểu cảm, hoặc nếu có thì biểu cảm chỉ rất dè dặt. Gặp chuyện vui cũng không thể hiện quá vui, nhắc chuyện buồn cũng không lộ ra quá buồn. Mặt luôn ngẩng cao, mắt luôn nhìn thẳng. Sau lời thoại này là lần đầu tiên, và cũng là một lần hiếm hoi bà cụp mắt bối rối và suýt khóc.
1-0
Tháo nút lần 2: “I’m not leaving because I think I’m not enough. […] I know I am.”
Một trong những điều thú vị về hai nhân vật Eleanor và Rachel là ở chỗ: những điểm khác biệt giữa họ được xây dựng dựa trên rất nhiều background tương đồng. Cả hai cùng xuất thân khó khăn, chuyện tình cảm đều gặp trắc trở do gia đình ngăn cấm. Nhưng với cùng một xuất phát điểm như vậy, hai nhân vật đã xử sự thế nào?
Trước sự nghi hoặc của Ah Ma về xuất thân và gia thế, Eleanor chứng tỏ cho cụ thấy mình có “enough” hay không bằng việc sẵn sàng dẹp bỏ con đường học vấn và ước mơ đang dang dở, cùng Phillip chèo chống cơ nghiệp nhà Young. Với hành xử đó, Eleanor đã ngầm xác nhận: Vâng, tôi chưa đủ tốt, nên giờ tôi sẽ cố gắng hơn để được công nhận, dù cho cố gắng đó có nghĩa là tôi phải hy sinh bản thân ở những mức độ không cần thiết. Trong phim Crazy rich Asians, Ah Ma xuất hiện không nhiều nhưng các nhà làm phim đã khéo léo lồng ghép chi tiết chiếc nhẫn để kể về một ám ảnh mà cụ đã gieo vào Eleanor suốt nhiều năm trời. Ban đầu, Ah Ma từ chối trao cho Eleanor chiếc nhẫn gia truyền của các con dâu nhà Young vì trong mắt cụ, Eleanor không xứng làm lựa chọn số một, cũng chẳng xứng làm lựa chọn số hai cho vị trí này vì xuất thân không môn đăng hộ đối (“I was not her first choice, and honestly I wasn’t her second”). Phillip vì thế đã đặt riêng một chiếc nhẫn để cầu hôn Eleanor. Nhắc đến chiếc nhẫn, những ký ức hiện về trong Eleanor chỉ là một quá khứ bị nghi hoặc, bị chối từ, về bao nhiêu năm vật lộn cố gắng chỉ để chứng minh mình xứng đáng. Ở bà đáng lẽ còn có thể lấp lánh sự tự hào về bản thân khi đã can đảm cùng Phillip vượt qua tất cả trong một câu chuyện rất “Us against the world”. Nhưng không, những gì liên quan đến “cái tôi”, đến bản thân mình dường như không hiện hữu ở Eleanor.
Và giờ đây, khi đến lượt Eleanor đứng vào vị trí của Ah Ma, bà một lần nữa dựng lại chính xác tình huống năm nào. Một điều duy nhất giờ đã khác: Rachel – con người hiểu mình và tự tin ở những giá trị bản thân – không tìm kiếm sự công nhận từ bà, cũng chẳng nhọc công ở lại chỉ để chứng minh “I’m enough”.
Động cơ khiến Rachel rời đi hay Eleanor chấp nhận ở lại giống nhau ở chỗ đều là tình yêu và nghĩ cho người mình yêu, nhưng chỉ khác một điều: Rachel biết nghĩ cho người khác nhưng không vì vậy mà chịu thất lễ với chính mình. Xin đừng vội nhầm cái tôi của Rachel là một cái tôi ích kỷ, bất cần; trái lại, đó là một cái tôi rất biết người biết ta. Trước những cản trở từ gia đình Nick, khi thì cô hòa nhã tìm hiểu để trở thành một phần của gia đình (tham gia bữa tiệc mừng hoa Quỳnh nở, cùng làm bánh bao), khi thì đàng hoàng đối mặt ngay cả sau khi Eleanor đã ra đòn phủ đầu (khi chọn chỗ ngồi ở hàng ghế đầu tiên trong đám cưới Colin và Araminta, cạnh công chúa Intan). Khi thấy mình đã hợp tác, đã biết tiến lùi đúng lúc, đã có điều chỉnh đến thế mà con người nguyên bản của mình vẫn không được chấp nhận, cô chẳng ngại ngần ra đi thay vì ở lại chấp nhận hòa tan, hạ mình hay hy sinh vô ích chỉ để được công nhận. Sự công nhận cao nhất – Rachel đã tự dành cho mình. Thông điệp cô gửi đến Eleanor bằng việc ra đi chính là: “I’m enough. Take it or leave it”. Thế kỷ 20, nước Mỹ cho chúng ta định nghĩa về một thế hệ self-made millionnaire, nay Rachel cho chúng ta thêm một định nghĩa về self-made princess. Là Lọ Lem nhưng không cầu cạnh hoàng tử (chứ đừng nói đến mẹ hoàng tử), “only asked Godmother for a dress and a night out, didn’t ask for a Prince”.
Eleanor bén rễ định kiến: hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc toàn thể không thể cùng tồn tại. Trong tình thế một mất một còn, cá nhân mặc định là người phải hy sinh. Rachel chứng minh cho bà thấy điều ngược lại:
Thứ nhất, hai kiểu hạnh phúc vốn không mâu thuẫn, triệt tiêu nhau mà cùng song hành tồn tại và nâng đỡ lẫn nhau. Với Rachel, mọi cuộc chơi đều có thể điều chỉnh để kết thúc là win-win cho các bên. Đàn áp được hạnh phúc cá nhân chưa chắc là cách bảo đảm hạnh phúc toàn thể. Ah Ma lẫn Eleanor hẳn không thiếu cách để tách Nick khỏi Rachel và “giam” anh ở Singapore, nhưng chắc chắn thứ mà nhà Young giữ được không phải một thành viên toàn tâm toàn ý với gia đình mà chỉ là một người thừa kế với thân xác và tâm hồn cách nhau nửa vòng Trái Đất.
Thứ hai, để hài hòa trong các mối quan hệ, có thể điều chỉnh bản thân và nhượng bộ trong giới hạn cho phép, nhưng tuyệt đối không được từ bỏ chính mình. Lần chạm trán trong ván mạt chược và sự ra đi dứt khoát của Rachel chính là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất cho tinh thần này.
Tin rằng, đây mới là nguyên nhân sâu xa tháo được nút thắt chặt nhất nơi Eleanor. Nó đã thức tỉnh tinh thần “individualism” – vốn đã từng có ở Eleanor nhưng lại bị chính bà đào sâu chôn chặt. Với cái tôi cá nhân yếu ớt như thế, dễ hiểu vì sao Eleanor luôn thấy mình không đủ tốt, luôn phủ nhận mình và tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Đến cái tốt của mình Eleanor còn không tin, không thấy, vậy chẳng có lý do gì bà có thể nhìn được sự “đủ” ở những người xung quanh. Rachel và Nick vốn không phải nạn nhân đầu tiên của Tiger mom. Kỳ thực, với lối suy nghĩ kia, chính bà đã tự sát thương mình ngay cả trước khi làm đau những người khác.
Đoạn kết phim Crazy rich Asians – khi Eleanor chấp nhận cho Nick ra đi – chính là một bước ngoặt lớn không chỉ với hai nhân vật chính mà còn là với chính bà. Xin đừng quên một chi tiết trước đó: Khi Nick bỏ lại mẹ và bà để đuổi theo Rachel, Ah Ma nặng lời trách mắng Eleanor làm mẹ tồi vì đã để anh bay nhảy ở ngoài quá lâu. Xâu chuỗi lại cùng với những năm tháng Ah Ma phủ bóng dáng của một quan tòa phán xử lên cuộc đời Eleanor, bạn sẽ hiểu: Eleanor đã dũng cảm đến thế nào khi dám để Nick ra đi. Đây có thể là lần đầu tiên, bà dám quyết định bằng lý trí và con tim mình thay vì làm theo những thước đo và kỳ vọng của người khác. Tin chắc rằng, khi trả Nick về với bầu trời của anh, Eleanor cũng đã tìm lại được cho mình đôi cánh ngày nào đã phải xếp lại cho vừa với khuôn phép nhà Young.
Chuyện phim Crazy rich Asians bắt đầu với hành trình nối liền khoảng cách địa lý giữa Hoa Kỳ – đảo quốc Sư tử và kết thúc cũng với rất nhiều cuộc hành trình. Đó có thể là hành trình tìm lại gốc gác Á Đông của Rachel mà thông qua đó đạo diễn John Chu nói hộ tiếng lòng của cả một thế hệ người Mỹ gốc Hoa. Đó cũng có thể là hành trình tìm lại chính mình của Eleanor – tìm lại một bản thể nguyên bản nhất sau khi gạt đi những danh giá, hào quang hay hy sinh, chịu đựng.
Xem thêm: Review phim Lady J
Hạ màn, vai chính vai phụ ai nấy đều tìm thấy một điều gì đó để mang theo bên mình. Cuộc chơi đến đây là trọn vẹn, và cái kết win – win viên mãn chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những con người tự tin, hiểu mình và dũng cảm.
Gộc Ghệch