Phim ‘Scarface’ Biểu tượng bạo lực gai góc và đẫm máu

Review phim Scarface (Gã mặt sẹo) của Brian De Palma - tác phẩm đã ảnh hưởng lên văn hóa đại chúng và gắn liền với nhiều thế hệ người hâm mộ điện ảnh.

Phim gangster không bao giờ lụi tàn, bởi bất cứ xã hội nào cũng tồn tại tính hai mặt của nó: Thiên thần và Quỷ dữ. Điều đó lí giải vì sao khán giả luôn yêu thích loại phim này, bất chấp nó không dành cho số đông bởi bạo lực và sự dung tục. Bộ phim “Scarface” (Gã mặt sẹo) của Brian De Palma không những minh chứng cho điều này… mà còn hơn thế nữa!

Xem thêm:

Từ “Scarface” 1932 đến “Scarface” 1983 – cảm hứng nửa thế kỉ

‘Scarface’ lấy cảm hứng từ bộ phim nguyên tác cùng tên rất nổi tiếng của đạo diễn huyền thoại Howard Hawks năm 1932. Tuy nhiên phiên bản phim “Scarface” 1932 là câu chuyện của tên trùm gangster lẫy lừng người Mỹ Al Capone, thì “Scarface” (1983) là biệt danh của Tony Montana, một di dân từ Cuba đến Florida (Mỹ) rồi trở thành gangster trong bối cảnh bùng nổ ma túy ở thập niên 1980.

Bộ phim là một câu chuyện hư cấu cực kì gai góc và đẫm máu, mô tả quá trình Tony từ một tên du đãng mạt hạng – nhưng đầy tham vọng và lòng ham muốn của hắn sục sôi tới mức dám làm những việc kinh thiên động địa – đã dần leo lên đỉnh vinh quang trong thế giới ngầm tội phạm ở Miami… để rồi phút cuối sụp đổ theo kiểu bi kịch thần thoại Hy Lạp.

Trong ý tưởng ban đầu, bối cảnh xảy ra ở Chicago, nhưng bất khả thi do kinh phí hạn hẹp. Sidney Lumet là lựa chọn đầu tiên cho chiếc ghế đạo diễn. Sau đó ông rút lui, nhưng ý tưởng của Lumet đổi các nhân vật trung tâm của phim thành người Cuba đã được hãng Universal tán thành. Đạo diễn Brian De Palma lúc ấy thích kịch bản “Scarface” tới mức, ông rời bỏ ghế đạo diễn bộ phim Flashdance (1983) để nhận bộ phim này.

Lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển “Scarface”, kết hợp với sự kiện có thật về cuộc di tản Mariel Boatlift bằng đường biển mùa Xuân năm 1980 (khoảng 125.000 người tị nạn hợp pháp, được chính phủ Cuba cho phép nhập cư vào Florida, Mỹ), Oliver Stone đã viết kịch bản này trong thời gian ông đang cai nghiện ma túy.

Sử dụng lại cái tên “Scarface”, Oliver Stone muốn tưởng nhớ tới đạo diễn Howard Hawks và Ben Hecht, nhà biên kịch của nguyên tác điện ảnh năm 1932. Ông đặt tên của “gã mặt sẹo” là Tony Montana, lấy theo tên của Joe Montana, cầu thủ bóng bầu dục mà ông yêu thích.

Chuyện về người Cuba duy nhất Steven Bauer

Ban đầu Universal nghĩ tới Robert De Niro cho vai Tony Montana, nhưng Robert từ chối vì đang kẹt vai gangster trong siêu phẩm Once Upon A Time In America. Al Pacino được mời thế và tỏ ra rất xuất sắc trong việc hóa thân vào nhân vật côn đồ này một cách lạnh lùng nhưng cũng tràn đầy tình cảm gia đình. Sau này chính diễn viên Al Pacino cũng từng công nhận, trong số tất cả những nhân vật mà ông đã đóng, thì Tony Montana là nhân vật mà ông yêu thích nhất.

Hàng loạt các gương mặt sáng giá Rosanna Arquette, Jennifer Jason Leigh, Melanie Griffith, Kim Basinger, Kathleen Turner và Jodie Foster đều từ chối vai nữ chính Elivira Hancock, với lí do vai này quá mờ nhạt so với các nhân vật khác trong phim. Brook Shields cũng được mời vai này, nhưng mẹ cô là Teri Shields đã xúi cô từ chối vì kịch bản quá dữ dội và bạo liệt. Những sắc đẹp khác như Geena Davis, Carrie Fisher, Kelly McGillis và Sharon Stone cũng đến thử vai Elvira Hancock. Cuối cùng người được chọn là Michelle Pfeiffer, và cô đã khiến khán giả phải nhớ đến mình, mặc dù vai này không có nhiều đất diễn.

Vai Manny Ribera – chiến hữu sát cánh vào sinh ra tử với Tony Montana – lúc đầu có thông tin sẽ giao cho ngôi sao John Travolta, lúc ấy đang ở đỉnh cao. Nhưng hãng Universal không kham nổi mức cát-sê mà anh ta đòi hỏi, vả lại đạo diễn Brian De Palma không muốn nhân vật này là một tên tuổi quá nổi tiếng như Travolta.

Xem thêm:

Lúc ấy Steven Bauer – một diễn viên vô danh với dăm ba vai nhỏ, từng học diễn xuất tại Miami với thầy Stella Adler danh tiếng ở New York, nhưng giờ đang kiếm sống bằng nghề giao tủ bếp ở Manhattan – được mời diễn thử vai Manny. Bauer chẳng cần phải diễn nhiều bởi ngoại hình cao ráo vạm vỡ, gương mặt nam tính, tính cách ngang tàng bướng bỉnh của anh chính là hiện thân của nhân vật Manny.

Steven Bauer là dân nhập cư Cuba thứ thiệt, anh sinh ở Havana với tên khai sinh là Resteban Echevarria. Ban đầu anh lấy nghệ danh là Rocky Echevarria, nhiều năm sau cảm thấy tên này khó nhớ, anh lấy tên thời con gái của mẹ mình, và đổi thành Steven Bauer. Như Bauer diễn giải: “Lúc đó người gốc Mỹ Latin bị chống đối và Hollywood thiếu óc tưởng tượng. Đối mặt với sự kỳ thị đó, bạn chỉ có cách theo quân trộm cướp!”

Vai Manny lập tức đưa cuộc đời Bauer sang ngã rẽ. Không tính vai của Tony Montana, thì Manny là vai được công chúng yêu thích nhất và được đề cử giải Quả Cầu Vàng vai phụ. Sau vai diễn đột phá này của Bauer, anh đã xuất hiện trong hàng chục bộ phim khác, nhưng không bộ phim nào đưa Bauer tới gần với sự công nhận mà anh đã từng có được nhờ “Scarface”.

Ở một mức độ nào đó, chính thành công của “Scarface” đã làm lu mờ các vai diễn sau này của Bauer, nhiều vai diễn anh thừa nhận là những lựa chọn sai lầm. Đó là chưa kể anh thú nhận mình đã bị sa đà quá nhiều vào sự xa hoa, tiệc tùng hào nhoáng của Hollywood, để sự nghiệp lao không phanh xuống dốc lúc nào không hay!

Ba lần bị xếp nhãn X vẫn sống sót!

Khi đạo diễn Brian De Palma đưa bộ phim lên MPAA (Hiệp hội điện ảnh Mỹ) duyệt, họ xếp nó tức thì vào loại X (loại nặng nhất trong hệ thống phân loại phim). Ông về cắt dựng bớt và trình lại lần thứ hai, vẫn là loại X. Không nản chí, ông lại kiên trì cắt dựng tiếp và trình lại lần thứ ba, quan điểm vẫn không thay đổi, vẫn là loại X! Quá giận dữ, De Palma từ chối cắt tiếp nhằm đủ tiêu chuẩn xếp loại R. Ông và nhà sản xuất Martin Bregman sắp xếp một buổi phân xử với MPAA.

Họ đưa một nhóm chuyên gia vào, gồm những quan chức chống ma túy thực sự. Những người này đã nhận xét “Scarface” khắc họa chính xác cuộc sống trong thế giới ngầm ma túy ngoài đời, và nên phổ biến rộng rãi cho mọi người xem để mang tính răn đe cảnh báo. Lời nhận xét này đã thuyết phục 20 thành viên của MPAA, và họ đồng ý xếp loại R cho bản dựng thứ ba với kết quả bỏ phiếu là 18 thuận – 2 chống.

Tuy nhiên, De Palma tham lam ướm hỏi hãng phát hành, nếu bản dựng thứ ba của bộ phim được đánh giá là loại R thì bản dựng đầu tiên cũng nên được xếp loại R, vì nó cũng không khác gì mấy. Hãng phát hành từ chối, nhưng họ lại không biết sự khác biệt giữa các bản dựng khác nhau đã đệ trình. Nên khi phát hành De Palma đã “liều mạng” qua mặt MPAA, giao bản dựng đầu tiên của bộ phim ra rạp. Chỉ tới khi bộ phim đã được phát hành trên băng video nhiều tháng sau đó, ông mới thú nhận mình đã đưa phát hành phiên bản chưa hề bị cắt xén của bộ phim!

Lý do cắt đơn giản là bộ phim quá nhiều bạo lực và ma túy, lời thoại dung tục bẩn thỉu. Có đến 42 xác người gục ngã trong phim. Ghê sợ nhất là cảnh cướp hàng bịt đầu mối bằng cưa máy – cảnh này bị hầu hết các nước phát hành cắt bỏ. Kế đến là cả một trường đoạn “tắm máu” ở cuối phim… Từ “f…” và các từ phái sinh đồng nghĩa của nó, được sử dụng 226 lần, trung bình cứ mỗi phút lại có 1,32 từ chửi thề!

Heroin được dùng suốt các cảnh quay được cho là sữa bột, nhưng thực chất sữa bột lên phim không giống “hàng trắng”. Đạo diễn Brian De Palma từ chối thừa nhận chất gì đã được dùng thay cho cocain trên phim, vì ông e rằng nếu tiết lộ nó sẽ phá cảm giác thực của khán giả. Trong mọi cảnh Tony hít cocain, mặt của Al Pacino đã được nhiều vật thể khác nhau che chắn một cách khéo léo để khán giả không bao giờ thực sự thấy ông đang hít cần sa.

Cộng đồng người Cuba phàn nàn, không chỉ vì cách họ bị mô tả như là những tên tội phạm, mà còn vì việc hầu hết các vai diễn nổi bật trong phim đều được thủ diễn bởi các diễn viên gốc Ý như: Al Pacino, Robert Loggia và Mary Elizabeth Mastrantonio… Nhưng theo Steven Bauer thì diễn viên nước nào không quan trọng. Nếu đây là một bộ phim tài liệu, thì chắc chắn sẽ phải sử dụng các diễn viên Cuba. Vấn đề ở đây đạo diễn đã chọn được những diễn viên giỏi nhất và phù hợp nhất cho các vai diễn.

Ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng

“Scarface” ra mắt chính thức vào tháng 12/1983 và lập tức hàng loạt bài phê bình “dội bom” xuống bộ phim. Bất chấp điều này, nó vẫn đạt doanh thu 66 triệu USD khắp thế giới (tương đương với 180 triệu USD theo thời giá năm 2010), thu hút một lượng lớn khán giả hâm mộ và trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng.

Bộ phim đã ảnh hưởng lên văn hóa hip-hop và nhạc rap kể từ cuối thập niên 1980. Nhóm rap Geto Boys đưa một vài câu thoại trong phim vào các bản nhạc rap của họ. Ca sĩ nhạc rap Brad Jordan, đã lấy “Scarface” làm nghệ danh của mình. Nghệ sĩ hip-hop Sean “P. Diddy” Combs thú nhận mình đã xem bộ phim 63 lần. Các ngôi sao nhạc hip-hop đã lấy phong cách “gangsta” hoa mỹ trong cơ ngơi của Montana ở Miami làm mẫu trang trí cho nhà cửa và video của họ. Nhiều diễn viên nổi tiếng hiện nay như Matt DamonBen Affleck đã thuộc từng lời thoại, nhớ từng hành động của Tony Montana và Manny. Mười mấy năm đã qua, nhưng hàng loạt vật dụng, quần áo, và nhiều sản phẩm khác gợi nhớ tới “Scarface” vẫn còn được yêu thích. Đặc biệt tấm áp phích trắng đen lốm đốm hạt của bộ phim là một vật trang trí rất được ưa chuộng và hiện vẫn còn được sản xuất.

Bá Vũ

Từ khóa: review phim gã mặt sẹo, review phim scarface, đánh giá phim gã mặt sẹo, bình luận phim gã mặt sẹo, review scarface, đánh giá scarface, văn hóa đại chúng scarface.
CHẤM ĐIỂM PHIM
Nội Dung
9.0
Diễn Viên
8.9
Hình Ảnh
8.8
Âm Nhạc
8.4
review-phim-scarface-ga-mat-seo-bieu-tuong-bao-luc-gai-goc-va-dam-mauBộ phim đã ảnh hưởng lên văn hóa hip-hop và nhạc rap kể từ cuối thập niên 1980.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here