Với thị trường khán giả rộng lớn cùng dòng tiền siêu khủng giúp Trung Quốc dần nắm quyền thao túng các bộ phim của Hollywood hiện nay. Mục tiêu của Trung Quốc là muốn xây dựng hình ảnh của mình trong các bộ phim của người Mỹ trở nên đẹp hơn.
Xem thêm:
Tại hội nghị phim Trung – Mỹ ở Los Angeles hồi năm 2013, bà Zhang Xun, chủ tịch lúc bấy giờ của Công ty hợp tác sản xuất điện ảnh Trung Quốc (CFCC), từng tuyên bố: “Chúng tôi có một thị trường rộng lớn và chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Nhưng chúng tôi muốn những bộ phim đầu tư mạnh về văn hóa Trung Quốc, chứ không phải chỉ một hay hai cảnh. Chúng tôi muốn thấy những hình ảnh tích cực về Trung Quốc”.
Theo tờ Sydney Morning Herald, Trung Quốc có sức ảnh hưởng rất lớn trên lĩnh vực điện ảnh, đến mức nước này có thể quyết định được hình ảnh của họ sẽ xuất hiện như thế nào trong các bộ phim do người Mỹ làm, cho người Mỹ xem. Đây là một phần trong chiến lược rộng hơn của Chính phủ Trung Quốc nhằm nắm quyền kiểm soát sự hiện diện và mang đến hình ảnh một Trung Quốc thân thiện, ít đe doạ hơn đến với thế giới.
Dưới đây là ba ví dụ điển hình cho sự thao túng của Trung Quốc đối với nền điện ảnh Hollywood.
Đầu tiên phải kể đến việc chi 1 triệu USD để xóa hình ảnh đội quân Trung Quốc trong phim Red Dawn (Bình minh đỏ) năm 2012.
Theo kịch bản gốc của phim Red Dawn, sẽ có những kẻ thù người Trung Quốc xâm chiếm một thị trấn của Mỹ. Tuy nhiên khi nội dung phim được công bố, dư luận Trung Quốc nổi giận và phản ứng dữ dội. Rốt cuộc, hãng phim MGM đã phải cắn răng bỏ ra 1 triệu USD để dùng kỹ xảo máy tính xoá sạch mọi dấu vết của quân đội Trung Quốc, từng khung một, và thay vào đó là… quân đội Bắc Triều Tiên.
Thứ hai là hành động làm Trắng hóa nhân vật Ancient One trong phim Doctor Strange. Theo nguyên gốc truyện tranh Doctor Strange năm 1960, Ancient One là một nhà sư người Tây Tạng có phép thuật và sức mạnh vĩ đại. Nhưng khi được Marvel Studio chuyển thể thành phim Doctor Strange vào năm 2016, Ancient One lại có gốc Celtic, được thủ vai bởi nữ diễn viên da trắng Tilda Swinton. Sự thay đổi 180 độ tạo hình của Ancient One theo nhiều nguồn tin là nhằm tránh làm mất lòng Trung Quốc và để đảm bảo phim này có thể vượt qua kiểm duyệt tại thị trường tỉ dân này.
Thứ ba là một chi tiết cho trong phim Pixel. Trong phim Pixels có cảnh người ngoài hành tinh bắn thủng một lỗ trên Vạn lý Trường thành. Tuy nhiên vì lo lắng phim không được phép chiếu ở Trung Quốc nếu để cảnh này nên cuối cùng, nhà sản xuất đã quyết định đổi sang cảnh người ngoài hành tinh làm nổ lăng Taj Mahal (tại Ân Độ).
Vì sao thị trường khán giả tại Trung Quốc lại có ảnh hưởng đến Hollywood như vậy? Câu trả lời được thể hiện rõ qua thống kê doanh thu phòng vé quý 1/2018. Theo đó, từ thời điểm này, thị trường phòng vé tại Trung Quốc đã đạt doanh thu vượt mặt tổng doanh thu của thị trường Mỹ. Điều đó có nghĩa rằng, nếu một phim được phép chiếu tại Trung Quốc thì khả năng thành công về doanh thu là khá cao.
Dưới áp lực về doanh thu phòng vé, việc chỉnh sửa kịch bản để làm hài lòng dư luận và bộ phận kiểm duyệt của Trung Quốc là điều cần thiết để những bộ phim đạt doanh thu như mong muốn.
Trong những năm gần đây có nhiều phim đạt được đột phá doanh thu khi chiếu tại thị trường tỉ dân này. Một vài ví dụ như: xXx: Return of Xander Cage, Kong: Skull Island, Fast & Furious 8, Alien: Covenant, Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge, The Mummy và Pacific Rim Uprising là đều đạt doanh thu không như ý muốn tại Bắc Mỹ, nhưng sau đó lại giành thắng lợi tại thị trường Trung Quốc.
Theo giáo sư Larry Shinagawa tại Đại học Quốc tế Hawaii Tokai, chuyên nghiên cứu về châu Á và Mỹ, khán giả sẽ khó có khả năng thấy những phim như phim Seven Years in Tibet nữa. Những studio làm ra những bộ phim đả kích về Trung Quốc thường phải chấp nhận nguy cơ bị cấm ra mắt phim tại thị trường nước này.
Bên cạnh việc tác động gián tiếp thông qua dư luận và bộ phận kiểm duyệt phim đối với những bộ phim công chiếu tại thị trường Trung Quốc, nước này còn muốn nâng cao sức ảnh hưởng của mình lên Hollywood bằng cách vung tiền đầu tư cho ngày càng nhiều bộ phim bom tấn. Bước chuyển biến này được thấy rõ qua từng năm.
Cụ thể, từ năm 1997 đến 2013, Trung Quốc chỉ đâu tư cho 12 trên 100 bộ phim có doanh thu cao nhất toàn cầu. Nhưng từ năm 2014 đến 2018, danh sách này đã tăng lên 41 trên 100 phim. Một sự chuyển biến khá nhanh và mang sức ảnh hưởng khá lớn lên thị trường điện ảnh.
Năm 2016, Trung Quốc quyết định hợp tác với Hollywood để làm phim The Great Wall nhằm quảng bá hình ảnh của mình. Phim có kinh phí lên đến 150 triệu USD và sự tham gia của ngôi sao Matt Damon. Nhưng đáng tiếc The Great Wall trở thành bom xịt trên toàn cầu.
Kể từ đó, Trung Quốc đã không còn tin tưởng vào mô hình đồng sản xuất kinh phí lớn nữa. Thay vào đó, họ tập trung vào việc đầu tư vào những bộ phim có tầm ảnh hưởng và có khả năng thành công về doanh thu. Để làm điều đó, Trung Quốc đã thâu nạp nhiều tài năng Hollywood – từ các nhà sản xuất, các chuyên gia kỹ thuật, đến những người nổi tiếng hàng đầu Hollywood.
Hiện tại, chưa thể đánh giá liệu chiến lược xây dựng hình ảnh Trung Quốc thông qua điện ảnh có hiệu quả hay không nhưng hệ quả gây ra cho nền điện ảnh đang hiện ra trước mắt và không thể tránh khỏi.
Việc gò ép vào khuôn khổ khiến nhiều đạo diễn không giữ được nguyên vẹn ý tưởng ban đầu của mình, làm giảm sự sáng tạo mà vốn dĩ họ phải được toàn quyền quyết định thay vì bị chịu sự chi phối của quốc gia khác.
Sự thỏa hiệp giữa các hãng phim và Trung Quốc đang dẫn đến làn sóng chỉ trích từ cả công chúng phương Tây lẫn phương Đông. Khán giả thất vọng, tẩy chay khi chứng kiến những tác phẩm lai tạp, gượng gạo và mất bản sắc. Còn một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc khát khao được thưởng thức một bom tấn Hollywood đúng nghĩa mà không có sự nhúng tay của đồng tiền nước này.