Nội dung phim Manchester by the Sea (2016) kể về Lee Chandler (Casey Affleck) có một cuộc sống trầm lặng và nhàm chán ở xứ New England với những mùa đông lạnh lẽo dài đằng đẵng đặc trưng của miền Đông Bắc nước Mỹ. Ban ngày cặm cụi dọn dẹp và sửa chữa nhà cửa cho những cư dân khó tính của thành phố nhỏ Quincy ngoại vi Boston, ban đêm Lee chỉ có hai người bạn duy nhất trong căn phòng tầng hầm ngột ngạt là chai bia và những trận bóng rổ của Boston Celtics hay khúc côn cầu trên băng của Boston Bruins.
Xem thêm: Reiview phim | Bảng Xếp Hạng Phim
Trong những lúc buồn bực vì công việc, Lee đôi khi ra các quán bar đông người, nhưng ít nói, khó gần, Lee cũng chẳng kiếm được cho mình người bạn hay mối tình thoáng qua nào, có chăng chỉ là những trận ẩu đả xuất phát từ sự nóng giận bột phát và vô cớ của chính Lee. Điểm sáng duy nhất trong cuộc đời của anh là những mảnh vụn ký ức về các chuyến ra khơi dưới ánh nắng ấm áp của mùa hè từ thị trấn quê nhà Manchester-by-the-Sea cùng người anh trai Joe Chandler (Kyle Chandler) và nhóc Patrick, con trai Joe.
Tại sao một người có vẻ ngoài điển trai với cặp mắt sâu thẳm như Lee lại cứ sống lầm lũi cô đơn trong căn hộ chẳng có ánh Mặt Trời mỗi khi tuyết rơi? Tại sao ẩn chứa bên trong anh thợ sửa chữa chăm chỉ, chu đáo này lại là những cơn giận dữ và bạo lực vô duyên vô cớ đến vậy? Người xem dần tìm được câu trả lời cho những thắc mắc này, cũng như những bí mật ẩn sâu bên trong Lee Chandler khi anh phải quay trở về Manchester-by-the-Sea để lo hậu sự cho người anh đột vừa đột ngột qua đời, cũng như trở thành người giám hộ bất đắc dĩ của Patrick (Lucas Hedges) bởi cậu cháu lém lỉnh đang ở cái tuổi ẩm ương của Lee chẳng còn người thân nào khác ở gần sau khi bố mất còn người mẹ nghiện ngập Elise (Gretchen Mol) đã bỏ đi từ lâu buộc Joe phải chịu cảnh gà trống nuôi con.
Trở lại Manchester by the Sea, Lee vừa phải mang trong mình nỗi đau của người em chẳng được nhìn mặt anh trai lần cuối, vừa phải đối diện với quá khứ đau đớn của chính anh khi mà hầu như mọi người quen cũ đều tỏ vẻ xa lánh Lee ngoại trừ vợ chồng người bạn vong niên của gia đình George (C.J. Wilson). Nhưng có lẽ chẳng nỗi buồn nào của Lee Chandler so sánh được với cảm xúc của anh khi gặp lại Randi (Michelle Williams), người vợ hiền từng chia sẻ những năm tháng hạnh phúc bên Lee và ba đứa con đáng yêu trong căn nhà nhỏ ven vịnh North Shore của New England nhưng nay đã có gia đình mới với một cậu nhóc xinh xắn. Tại sao gia đình nhỏ bé sáng ngời của Lee Chandler lại vỡ vụn vào quá khứ của anh? Liệu Lee có thể vượt qua những mặc cảm cũ để trở thành chỗ dựa cho cậu cháu Patrick?
Manchester by the Sea là một bộ phim về sự mất mát, và cách mỗi người đối mặt với những mất mát ấy, đặc biệt là cái chết của những người gần gũi. Đại diện cho niềm vui luôn là những nụ cười hạnh phúc, minh chứng cho sầu muộn thường là những giọt nước mắt buồn, nhưng ở tận cùng của đau buồn và mất mát, mỗi người phản ứng theo một cách rất riêng của mình.
Patrick bình thản đón nhận tin dữ về người bố của cậu bởi từ rất lâu bác sĩ đã chẩn đoán là Joe chẳng thể sống đến tuổi già với một trái tim yếu đuối, nhưng cậu học sinh cấp ba vẫn đau đáu với nỗi sợ rằng bố mình sẽ phải cô đơn trong buồng lạnh trong suốt mùa Đông dài dằng dặc để chờ ngày được an nghỉ dưới lớp đất mềm của mùa xuân phương Bắc đến muộn.
George choáng váng trước sự ra đi của người bạn thân nhưng vẫn đủ minh mẫn và nhạy cảm để lo lắng mọi việc thay mặt cho gia đình nhà Chandler vốn đã trơ trụi đến những người cuối cùng. Randi quằn mình, hoảng loạn trong tuyệt vọng tới mức làm tổn thương cả những người thân yêu nhất, nhưng rồi cô của cô, nhưng rồi cô cũng dần hồi phục, dần tìm được chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc đời. Nhưng Lee chẳng giống ai trong số họ. Anh vẫn sống, vẫn lo lắng, quan tâm cho người thân của anh với tất cả những gì tốt đẹp còn lại của tâm hồn. Nhưng đồng thời ngọn lửa cảm xúc bên trong con người Lee Chandler đã nguội lạnh từ lâu, hay đúng hơn là nỗi đau quá lớn trong quá khứ của Lee đã dập tắt hoàn toàn những mầm mống hạnh phúc ấy, để lại duy nhất trong quả tim cằn cỗi của anh những vết thương tinh thần không bao giờ có thể khép miệng.
Có lẽ là kể từ năm 2010 với Blue Valentine (đạo diễn Derek Cianfrance) và Rabbit Hole (đạo diễn John Cameron Mitchell) cho tới nay Hollywood mới lại cho ra đời một bi kịch xuất sắc như Manchester by the Sea khi xoáy sâu vào nỗi buồn và sự mất mát. Mới thực hiện hai bộ phim dài trước khi bắt tay vào Manchester by the Sea, nhưng đạo diễn kiêm biên kịch của phim – Kenneth Lonergan không còn là cái tên xa lạ với những người yêu sân khấu và điện ảnh bởi ông chính là một trong các tác giả kịch bản Gangs of New York (2002) – bộ phim gây tiếng vang của Martin Scorsese, và cũng từng được đề cử giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất tới hai lần (cho Gangs of New York và You Can Count On Me – bộ phim đầu tiên do Lonnergan làm đạo diễn).
Tuy nhiên, Manchester by the Sea xứng đáng là một đỉnh cao mới trong sự nghiệp sáng tác của Lonnergan khi kịch bản của bộ phim thực sự là một ví dụ mẫu mực cả về cách kể chuyện và cách phân tích tâm lý nhân vật. Tuy nội dung chủ đạo của Manchester by the Sea là những bi kịch cá nhân đầy cay đắng, nhưng bộ phim không vì thế mà sa đà vào sự ướt át, u buồn quá mức. Thay vào đó những câu thoại thông minh và chua cay đặc trưng cho cư dân miền Đông Bắc nước Mỹ, tiêu biểu là trong các mẩu đối thoại giữa hai chú cháu Lee và Patrick, cùng những phân đoạn mô tả cuộc sống đời thường xứ New England tưởng không quá đặc biệt nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh nhịp độ của phim và giúp khán giả tránh khỏi sự mệt mỏi quá mức về mặt tinh thần khi phải chứng kiến hết bi kịch này tới bi kịch khác của các nhân vật trong phim.
Ngay cả trong việc khắc họa sự suy sụp của các nhân vật trong Manchester by the Sea trước các biến cố lớn của cuộc đời, Lonnergan cũng không sử dụng các phân đoạn đẫm nước mắt dễ tạo cảm giác khiên cưỡng mà tập trung vào việc xây dựng các nhân vật có vẻ ngoài và hành xử bình thường nhất có thể, nhưng chỉ là để che đậy những vết sẹo ẩn sâu trong tâm hồn.
Chính sự kìm nén cảm xúc trong kịch bản đã tạo hiệu quả tối đa cho các phân đoạn bùng nổ bất chợt khi các vết sẹo tinh thần ấy được Kenneth Lonnergan lôi lên bề mặt của các nhân vật để khiến khán giả phải choáng váng khi nhận ra rằng họ chẳng thể đo được chiều sâu thực sự của trạng thái trầm cảm mà Lee Chandler và những người xung quanh anh đang chơi với dưới đáy.
Việc Lonnergan bỏ ngỏ nhiều chi tiết về quá khứ của Lee ở Manchester-by-the-Sea bằng cách kể chuyện xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại cũng khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn khi khán giả rũ bỏ được cảm giác bị động của người tiếp nhận để tham gia vào việc kết nối các chi tiết giữa quá khứ tươi sáng và hiện tại mờ mịt của Lee để dựng nên gương mặt cảm xúc thực sự của anh.
Với những người sinh ra, lớn lên ở vùng đất mù mịt thừa gió tuyết, thiếu nắng ấm như New England hoặc ít ra là đã trải qua một phần đời ở các thành phố, thị trấn cổ kính nơi đây thì Manchester by the Sea còn mang một lớp nghĩa khác khi bộ phim thực sự đã đem lại được hình ảnh chân thực nhất về khu định cư đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ này với mùa Đông dài lạnh lẽo của tuyết và mưa, mùa hè ngắn ngủi nhưng tuyệt đẹp với vị mặn mòi của nước biển Đại Tây Dương, và nhất là với những con người vẫn mang trong mình sự thâm trầm, kìm nén đầy chất “Cựu Lục địa” bất chấp ngữ điệu và cử chỉ vụng về đặc trưng.
Những khung hình tràn đầy ánh sáng, màu sắc tự nhiên của New England qua ống kính của nhà quay phim trẻ Jody Lee Lipes cũng cho khán giả một cơ hội được khám phá vẻ đẹp cổ kính, hiền hoà của cảnh quan nơi đây và giúp họ phần nào hiểu được lý do tại sao bất chấp cái lạnh tê người của mùa Đông u ám, người dân New England vẫn yêu quý và gắn bó với cái mảnh đất này đến thế.
Lonnergan là người thai nghén kịch bản cũng như tạo dựng hình hài cho Manchester by the Sea, nhưng bộ phim khó lòng có thể gây tiếng vang lớn đến thế nếu không có sự thể hiện xuất sắc của dàn diễn viên của phim. Trong số này ngôi sao sáng nhất không ai khác ngoài Casey Affleck – diễn viên gốc New England được nhà sản xuất của Manchester by the Sea và cũng là một ngôi sao hàng đầu của Hollywood Matt Damon nhường vai Lee Chandler chỉ hai tháng trước khi phim bắt đầu được khởi quay.
Thường bị phủ bóng bởi danh tiếng của người anh trai Ben Affleck – người từng giành giải Oscar từ năm 25 tuổi và sau đó tiếp tục thành công trong cả vai trò diễn xuất và đạo diễn, nhưng thực tế thì Casey Affleck cũng có một sự nghiệp hết sức đáng tự hào với các vai diễn đáng nhớ trong Gone Baby Gone và The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford (cùng 2007) hay với bộ phim giả tài liệu do anh đạo diễn I’m Still Here (2010).
Nhưng với vai diễn trong Manchester by the Sea, Casey Affleck đã cho thấy rằng anh hoàn toàn xứng đáng đứng ngang hàng với người anh trai của mình hay bất cứ nam diễn viên hạng A nào khác của Hollywood về mặt tài năng. Dù cái chết và tình yêu là những đề tài màu mỡ nhất cho các diễn viên thể hiện năng lực diễn xuất cảm xúc, nhưng nhân vật Lee Chandler không hề là một nhân vật dễ dàng cho bất cứ diễn viên nào bởi trong phần lớn thời lượng của phim các suy nghĩ, xúc cảm được Lee chôn giấu sâu bên trong vẻ ngoài vô cảm và những cơn bạo lực bột phát của anh.
Xem thêm: Phim kinh doanh hay | Phim du hành thời gian
Ngoại trừ những khoảnh khắc ngắn ngủi khi sự đau đớn, cùng quẫn hiện lên rõ ràng trong hành động, khuôn mặt của Lee Chandler, khán giả chỉ có thể cảm nhận được sự trầm cảm ăn sâu bám rễ vào Lee sau những bi kịch lớn của cuộc đời thông qua ánh mắt buông xuông, cử chỉ ngập ngừng, hay những chi tiết tưởng như bâng quơ trong các mẩu đối thoại của Lee.
Tài năng của Casey Affleck được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết trong những trường đoạn đòi hỏi sự pha trộn của cả hai pha bùng nổ và tiết chế của cảm xúc như cảnh quay đáng nhớ trong đồn cảnh sát, khi chỉ trong khoảnh khắc anh vừa khiến người xem phải bất ngờ vì sự thay đổi đột ngột của tâm trạng nhân vật, lại vừa khiến họ cảm thấy chua xót vì chợt nhận ra rằng họ đang được chứng kiến một trong những nhân vật bi kịch, đớn đau nhất của điện ảnh Hollywood những năm gần đây. Với vai diễn xuất sắc hiếm có này, Casey Affleck thực sự đã trở thành ứng cử viên hàng đầu cho giải Oscar hạng mục vai nam chính xuất sắc nhất năm nay, nhất là sau khi anh đã giành chiến thằng ở hạng mục tương tự trong lễ trao giải Quả cầu vàng vừa qua.
Điều tuyệt vời của Manchester by the Sea là bộ phim không chỉ có một mình Casey Affleck. Dù thời lượng xuất hiện trên hình không nhiều, nhưng Michelle Williams một lần nữa đã cho thấy rằng khó ai có thể vượt qua cô trong những vai diễn đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế, đặc biệt là khi đối diện với những nỗi đau không thể cất thành lời. Chỉ với một phân đoạn ngắn tả lại cuộc gặp mặt gượng gạo sau nhiều năm giữa Randi và Lee trên mảnh đất nhiều kỉ niệm Manchester-by-the-Sea, Williams với những giọt nước mắt, với giọng nói run run đầy tiếc nuối, và với những cử chỉ hết sức nữ tính, đã mang lại được cho khán giả cả một chương buồn thảm trong cuộc đời và tâm trạng của Randi.
Ánh mắt biểu cảm của Williams trong những giây phút ngắn ngủi cô xuất hiện trên màn ảnh cũng là quá đủ để cho người xem thấy rằng cả Randi và Lee đều chỉ là nạn nhân trong những bi kịch do chính họ tạo ra, bởi mỗi một hành động, một lời nói của họ, dù là để thể hiện tình yêu thương hay sự căm hận, đều trở thành một nhát cuốc khiến họ trôi sâu hơn vào vực thẳm của trầm cảm và tuyệt vọng. Nếu như ở Michelle Williams người xem thấy được sự ăn ý về diễn xuất với Casey Affleck cả trong sự yêu thương và thù hận, thì ngôi sao trẻ Lucas Hedges trong vai Patrick lại là đối trọng cần thiết cho vai Lee của Casey.
Nhựa sống tràn đầy bên trong chàng trai tuổi mới lớn Patrick – người luôn sống hết mình với những gì cậu có, từ thể thao, âm nhạc cho tới các “bạn gái” càng làm nổi bật hơn bi kịch của một người đàn ông đã hoàn toàn khô cạn khát vọng sống như Lee. Điều đáng trân trọng ở Manchester by the Sea là dù khác biệt là vậy, nhưng từ Lee, từ Patrick, từ Randi, và cả các nhân vật phụ khác như Joe hay Elise, khán giả đều có thể cảm nhận được tình cảm sâu sắc, chân thành mà các nhân vật dành cho nhau. Có lẽ chính mối liên hệ đầy chất nhân văn ấy đã giúp níu kéo Lee và những người xung quanh anh khỏi chết chìm trong tai ương của số phận.
Trong một năm với rất nhiều tác phẩm điện ảnh đề cập tới các đề tài nóng bỏng của xã hội đương đại như nạn phân biệt chủng tộc, sự phân cách giàu nghèo, hay những lo toan về bất ổn chính trị trong tương lai, thì Manchester by the Sea quả thực là một cánh chim lạ, bởi nhân vật của phim là những con người hết sức bình thường trong xã hội nhưng nỗi đau mà họ phải chịu đựng lại mang tính cá nhân rất cao mà không nhiều khán giả có thể liên hệ với suy nghĩ, hoàn cảnh của chính họ.
Tuy nhiên, thành công vang dội cả về mặt nghệ thuật và doanh thu của bộ phim đã cho thấy đạo diễn-biên kịch Kenneth Lonergan đã rất đúng đắn khi tách khỏi trào lưu chung của Hollywood để kể câu chuyện rất riêng của ông về những con người và câu chuyện của vùng đất New England Đông Bắc nước Mỹ. Vậy điều gì đã làm nên thành công của một tác phẩm đậm chất bi thương như Manchester by the Sea? Có lẽ đó là sự chân thành toát ra từ từng câu thoại, từ cách xây dựng nhân vật, từ cách lựa chọn hình ảnh và âm nhạc. Chính sự chân thành đó đã giúp khán giả cảm nhận được nỗi đau của Lee, của Randi, của Patrick, để rồi từ đó chợt nhận ra rằng chúng ta chẳng có nhiều cơ hội để yêu thương lẫn nhau, bởi thế dù chỉ là 10 phút hay là cả cuộc đời, hãy cứ dành tình cảm trân trọng cho những người thân yêu, bởi biết đâu một ngày kia, bi kịch cuộc đời sẽ chẳng còn cho chúng ta cái cơ hội tưởng chừng đơn giản ấy.
Lion Z